Alo bác sĩ

Bạn đọc: NGYỄN VĂN NAM (nvnguyennam@...): Vừa qua, tôi đọc báo thấy ở phía Nam ghi nhận trường hợp sốt mò đầu tiên. Xin bác sĩ cho biết, bệnh này có nguy hiểm không và phòng ngừa bệnh như thế nào?

PGS-TS-BS PHÙNG NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Bệnh sốt mò (còn gọi là sốt do ấu trùng mò hay sốt bờ bụi) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi Orientia tsutsugamushi - một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò thuộc họ Trombicula (tên Leptotrombidium). Khi mắc bệnh sốt mò, người bệnh có biểu hiện sốt cao kéo dài, có vết loét da, phát ban. Đặc điểm của vết loét thường là một vết hình tròn hoặc bầu dục, đường kính khoảng 5-10mm, không đau, không ngứa, viền đỏ và nổi gờ trên mặt da. Ban đầu, vết loét màu vàng xám, sau đó đóng vảy màu nâu hoặc đen.

Đến khoảng tuần thứ 2, vết loét sẽ bong vảy để lại đáy sạch khô, màu đỏ tươi có viền cứng.Từ vết loét, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch tại chỗ rồi sưng, viêm và đau hạch toàn thân; đồng thời xâm nhập vào máu, gây viêm nội mạc, mạch máu toàn thân, tổn thương viêm nhiễm các cơ quan.

Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng và tử vong. Để phòng tránh bệnh, người lớn và trẻ em hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất, ủng. Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể để tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; điện thoại: 0916702027 hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục