Ám ảnh !

Chấn thương rơi vào một số vị trí chủ lực đang làm ban huấn luyện bạc đầu. Phương án hai gọi trở lại tiền đạo Đặng Văn Thành đã được thực hiện để gia cố cho hàng công bỗng chấn thương hàng loạt.

Ông Riedl bắt đầu có linh cảm những điều xấu nhất xảy ra khi nghe báo cáo thực về tiền đạo số 1 Lê Công Vinh: Cầu thủ này cần ít nhất từ 10 đến 15 ngày để bình phục vết thương giãn dây chằng...

Ám ảnh ! ảnh 1

HLV Riedl lo lắng về chấn thương của tiền đạo Công Vinh. Ảnh: H.V

Gọi là ngẫu nhiên hàng loạt vị trí chấn thương chỉ là một cách nói. Thực chất thì những chấn thương ấy đã nói lên một thực trạng mà bấy lâu đội tuyển phải chịu đựng: sự quá tải trải đều lên nhiều vị trí chủ lực liên tục chơi ở nhiều giải khác nhau với lượng vận động lớn.
 
Nếu một tiền đạo tương tự ở độ tuổi của Công Vinh là Teerathep được “xả” ở King’s Cup sau một Asian Games vắt kiệt sức lực thì Vinh lại trải qua hầu hết những giải lớn, nhỏ trong màu áo CLB sang đến đội Olympic rồi đội tuyển mà không có quãng nghỉ cần thiết.

Cái “máy kéo” ấy đã đạt phong độ tốt nhất trong giai đoạn từ BV Cup sang đến Asian Games rồi chuyển sang độ trượt dốc trong cái biểu đồ hình sin. Tiếc là Vinh cứ phải nỗ lực “cày ải” trong điều kiện cần nghỉ ngơi để hồi phục tích cực và kết quả là khả năng đề kháng cũng giảm sút và chấn thương.

Sự vắng mặt của Công Vinh trong trận chung kết King’s Cup đã là một dự báo lành cho tiền đạo số 1 đội tuyển.

Ở đội tuyển trong suốt thời gian từ khi chuẩn bị cho Cúp Thủ Đô đến bây giờ thực tế không có những buổi tập sức mạnh đến độ kiệt sức và lo vỡ tim như thời Tavares, nhưng chính những giải vắt từ tuần này sang tuần khác mà không cho những quãng nghỉ cần thiết đáp ứng cho việc hồi phục tích cực đã ảnh hưởng rất nhiều đến những đôi chân mỏi.

Việc Tài Em không thấy sung mãn và chớm chấn thương đã xin rút lui là một quyết định hợp lý. Chắc chắn đấy không phải là quyết định của cá nhân Tài Em mà nó còn được tư vấn bởi nhiều bộ phận và nhiều cái đầu chuyên nghiệp nhìn thấy được một viễn cảnh nếu cứ lao vào, cứ gồng và gắng sức thì sẽ kiệt luôn cho cả mùa giải tới.

Ở đội tuyển hiện nay có một thực trạng mà tôi tin ban huấn luyện nhìn ra, nhưng có thể giữ kín làm nỗi lo đó là điểm rơi phong độ đã rớt vào giai đoạn trước mà đỉnh của nó Asian Games. Trong một quãng thời gian ngắn lại bị xen kẽ bằng các giải đấu khác, việc đòi hỏi có cùng hai điểm rơi phong độ là không thể.

Cường độ và sức mạnh mà cầu thủ hấp thu có thể không lớn, nhưng lượng vận động dài hơi ở nhiều mùa giải cứ liên tục dồn vào đã làm mọi “phản ứng” trong các tuyển thủ đều chậm.

Khả năng đề kháng là một minh chứng. Khi khỏe mạnh mọi “tì vết” có thể vượt qua, nhưng lúc quá tải thì tất cả những va chạm hay “trái gió, trở trời” đều có thể nhân lên thành tổn thương.

Ban huấn luyện đã quyết định không thi đấu với Gạch Đồng Tâm chiều qua là đúng. Bởi đấu trong nỗi ám ảnh đang chấn thương (và mong đừng ai bị nữa), lại đấu trong trạng thái “ngán bóng” và chưa đầy 48 giờ trước khi lên đường là một hạ sách. Nó làm các cầu thủ phân tâm và bất an nhiều hơn là chơi với một thể trạng sung mãn.

Nỗi ám ảnh này khiến nhiều nhà chuyên môn chợt ngộ ra nó khá giống với hai năm trước khi ông Tavares tạo một cái nền thể lực thật tốt cho đội tuyển Việt Nam, nhưng điểm rơi lại rớt đúng vào trận vòng loại World Cup khu vực châu Á với Hàn Quốc ngay trên sân nhà.

Một trận đấu mà ai cũng tin nếu giữ được thì bóng đá Việt Nam sẽ có kết quả khả quan ở sân chơi Đông Nam Á, nhưng điểm rơi chuẩn thì không thể có hai đỉnh.

Nỗi ám ảnh ấy khi ban huấn luyện buộc phải gọi Đặng Văn Thành là có thật. Bằng chứng là ông Riedl cũng đã có lúc thốt lên “Tôi hy vọng điều tồi tệ ấy không xảy ra với chúng ta”.

Ngày mai, toàn đội sẽ lên đường và chuẩn bị cho trận khai mạc mà có đến 90% không có Công Vinh.

Lành ít dữ nhiều.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục