Tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ sớm dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) cùng với những tín hiệu khả quan từ kinh tế châu Âu và Mỹ trong thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có châu Á, khiến thị trường chứng khoán các nước trên lao dốc. Điều này làm dấy lên những quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự hồi năm 1997 tại châu Á.
Theo tạp chí Der Spiegel của Đức, từ sau cuộc khoảng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đã thu hút được những dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Dòng vốn đầu tư ào ào đổ về châu Á một phần nhờ vào ngân hàng trung ương các nước phát triển triển khai nhiều chương trình nới lỏng định lượng, khiến các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp ở những nước này. Điều này giúp giá trị tài sản và cổ phiếu tại các thị trường đang phát triển như Ấn Độ tăng cao. Tuy nhiên, như nói ở trên, sau khi FED tuyên bố sẽ sớm dừng QE, kèm theo tín hiệu khả quan về kinh tế châu Âu và Mỹ, thị trường tài chính tại nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á đã phải chứng kiến hiện tượng thoái vốn mạnh. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, tổng trị giá trái phiếu cũng như cổ phiếu mà chính phủ các nước và công ty phát hành trên thị trường mới nổi chỉ đạt khoảng 42,4 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (95,1 tỷ USD trong ba tháng 6, 7 và 8-2012).
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc kéo theo sự sụt giảm trong nhập khẩu nguyên liệu thô từ các quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của các quốc gia này. Tất cả sự kiện gợi về một ký ức không vui về cái gọi là những “con hổ kinh tế” sau một thời gian tăng trưởng giả tạo đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Bên cạnh đó, các nền kinh tế đang nổi có một điểm chung là thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, triệu chứng của một nền kinh tế trước khủng hoảng. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ trong giai đoạn 2012 - 2013 lên đến 5% GDP, so với mức 2,8% giai đoạn 2008 - 2011, còn của Indonesia tương ứng là 3% so với 0,7%.
Tuy nhiên, một số công ty nghiên cứu kinh tế cho rằng các quan ngại trên dường như đang bị thổi phồng bởi hầu hết các nền kinh tế châu Á vào thời điểm này có nền tảng vững chắc hơn. Hơn nữa, tình hình hiện nay không giống như những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Indonesia và các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á đều không có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn, đủ để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu trong vòng 6 tháng, thậm chí lên tới 13 tháng đối với Philippines. Ở thời điểm hiện nay, nợ nước ngoài của những nước này cũng ít hơn nhiều so với trước đây, trong đó Malaysia có mức nợ nước ngoài lớn nhất là 33,2% GDP. Điều này có nghĩa là chi phí trả nợ vẫn nằm trong tầm kiểm soát mặc dù tỷ giá hối đoái thấp sẽ khiến cho chi phí trả nợ nước ngoài tăng lên.
ĐỖ CAO