Ám ảnh thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống (THCS) là bệnh rất phổ biến và là căn bệnh gây tàn phế cao nhất hiện nay. Tuy không quá nguy hiểm nhưng những cơn đau do THCS ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn tật.

Chủ quan, bệnh diễn tiến nặng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM đã điều trị thành công cho anh N.T.Đ. là nhân viên văn phòng, thường ngồi làm việc 8 tiếng một ngày. Sau giờ làm, anh có thói quen chơi tennis cùng bạn bè. Trong một lần lên bóng, anh bị trượt chân ngã, lưng đập mạnh xuống đất, nhưng vẫn sinh hoạt bình thường.

Vài ngày sau, anh Đ. thấy đau lưng dữ dội, đau lan xuống chân phải khiến đi lại rất khó khăn. Sau khi đến thăm khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, anh Đ. được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống tầng thắt lưng 4-5, khối thoái vị lớn chèn ép nặng rễ thần kinh thắt lưng 5 bên phải.

Sau 2 tháng điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu nhưng không hiệu quả, anh Đ. được chỉ định phẫu thuật nội soi và được các bác sĩ khuyến cáo hạn chế chơi thể thao vận động mạnh để tránh gặp phải chấn thương như trước; đồng thời nên thay đổi tư thế làm việc và thực hiện những bài tập thể dục giữa giờ để tránh THCS.

Ám ảnh thoái hóa cột sống ảnh 1 Bác sĩ đang thăm khám cột sống cho bệnh nhân

Trước đó, BV Đại học Y Dược TPHCM cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một cụ bà 69 tuổi ở Trà Vinh bị THCS và chỉ định dùng thuốc do thói quen nằm ngủ bằng võng đã hơn 40 năm. Sau khi được người nhà đưa đến thăm khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM và chụp MRI cột sống, các bác sĩ chẩn đoán bà bị thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, cột sống của bà đã thoái hóa, trở nên giòn xốp, dễ vỡ và có các mảnh xương vụn. Các mảnh xương này đâm vào dây thần kinh cột sống, gây nên những cơn đau dữ dội cho người bệnh. Các bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật giải ép thần kinh cột sống cho bà. 

Theo Th.S Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y Dược TPHCM, có hơn 50% người đến khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV gặp vấn đề về THCS. Thế nhưng, với suy nghĩ THCS là căn bệnh do tuổi tác gây ra nên không thể tránh khỏi, hoặc cho rằng những dấu hiệu đau nhức cổ, lưng là ảnh hưởng của thời tiết nên người bệnh thường có tâm lý chịu đựng, “sống chung” với cơn đau thay vì tìm đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự thăm khám và chữa trị chuẩn xác từ các chuyên gia. 

Cần điều trị đúng hướng

Theo các chuyên gia y tế, THCS là một bệnh lý rất thường gặp, hầu như không thể tránh khỏi. Quá trình này thường bắt đầu ở những người trên 45 tuổi. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc THCS càng cao. Trong đó, 57% người trên 65 tuổi có triệu chứng THCS cổ, 89% người ở độ tuổi 60 - 69 có những dấu hiệu THCS thắt lưng. Bệnh là tình trạng tổn thương sụn khớp khối mấu khớp cột sống và đĩa đệm, dẫn đến hình thành các gai xương, có thể gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống.

Tình trạng THCS thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, thắt lưng, với biểu hiện chính là đau mỏi cổ, thắt lưng, đau giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi vận động, làm việc. Khi bệnh nặng hơn có thể gây tê, dị cảm (cảm giác tê hoặc nóng rát) tay, chân…

Ngoài những yếu tố nguy cơ gây THCS như tuổi tác, di truyền, thì các chấn thương do chơi thể thao hoặc tư thế sinh hoạt, làm việc không đúng cũng là những yếu tố khiến bệnh lý này ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng. Ở giai đoạn đầu, khi các cơn đau ít hoặc mới ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải để cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Nếu bệnh chuyển nặng, các cơn đau xuất hiện dữ dội và liên tiếp nhiều ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ... kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh có thể phối hợp với vật lý trị liệu giúp phục hồi và tăng cường các chức năng của cột sống. 

Để phòng ngừa bệnh THCS, bác sĩ Nguyễn Thành Nhân cho rằng cần tránh mang vác nặng, khi mang vác phải thực hiện đúng cách, chú ý thay đổi tư thế làm việc mỗi giờ, tập thêm các bài thể dục giữa giờ. Chế độ ăn uống phải hợp lý, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, hạn chế chất kích thích. Đặc biệt, nên cẩn trọng khi chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, tennis, nên tập các môn nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, thể dục dưỡng sinh… để giúp cột sống khỏe mạnh, tránh nguy cơ bị gây tổn thương.

Bên cạnh đó, khi có triệu chứng của bệnh, nên thăm khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác khiến bệnh trầm trọng, tốn nhiều thời gian và công sức điều trị hơn.

Tin cùng chuyên mục