
Võ Xuân Huy đưa người xem vào thế giới tranh của anh không phải bằng những ảo giác lung linh huyền bí mà bằng không gian thô ráp, nhăn mòn, nứt nẻ… Anh như gã độc hành trên ngã rẽ của dòng tranh sơn mài, để mở ra những vùng cảm xúc mới cho người xem.
Ám ảnh về ô nhiễm môi trường

Một tác phẩm sơn mài của Võ Xuân Huy
Tranh Võ Xuân Huy báo động về những hệ lụy của môi trường. Sinh ra trên vùng đất nghèo Vĩnh Linh - Quảng Trị, những cánh đồng nứt nẻ, khô cằn đã ám ảnh tâm trí của họa sĩ Võ Xuân Huy và những ký ức đó chạy dài đến hiện tại.
Thuộc phong cách trừu tượng và bán trừu tượng, mong muốn của Võ Xuân Huy là làm sao để những người bình thường nhất khi xem tranh của anh vẫn cảm thấy rung động để rồi suy tưởng. Đề tài mà anh chọn là hình ảnh cuộc sống đang bị đe dọa bởi nạn ô nhiễm môi trường.
Họa sĩ Võ Xuân Huy tâm sự: “Tôi muốn vẽ để người xem không chỉ xúc cảm khi xem tranh mà còn phải trăn trở trước hiểm họa môi trường”. Tranh sơn mài của Võ Xuân Huy hút người xem không phải ở tính chất truyền thống mà là sự đắp ghép, gồ ghề, sự xuất hiện của vỏ lon bia, nắp chai bia, muỗng, nĩa.
Theo anh quan niệm, đó là sản phẩm văn hóa tiêu dùng của con người, thế nên trách nhiệm của một nghệ sĩ là gióng lên hồi chuông về thế giới chứ không đơn thuần là cái đẹp.
Sự khắc nghiệt trong tranh của Võ Xuân Huy cũng chính là khát khao đến cháy bỏng về một môi trường sống trong trẻo, bình yên. Anh muốn hướng công chúng nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm với xã hội.
Sức sống nghệ thuật từ sáng tạo

Họa sĩ Võ Xuân Huy (thứ 3 từ trái sang) cùng bạn bè trong buổi triển lãm tranh của anh.
Cá tính sáng tạo trong tranh Võ Xuân Huy được khẳng định thông qua việc khoác thêm chiếc áo mới cho sơn mài. Anh đã tái cấu trúc lại sơn mài thông qua cách dùng những gam màu lạnh tạo cảm giác thoáng qua cùng với kỹ thuật rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… Tất cả được sử dụng nhuần nhuyễn để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện và tức thời.
Để có được thành công trên con đường sáng tạo, Võ Xuân Huy luôn ý thức rằng mình không bao giờ rời xa yếu tố truyền thống. Anh rất tâm huyết, muốn đi đến tận cùng với thể loại sơn mài nên sự sáng tạo trong tranh của anh như những nhánh rễ cây, dẫu có chệch ra khỏi tâm điểm vẫn mang bản chất truyền thống của thể loại nghệ thuật ấy.
Nhiều lúc anh tìm đến với văn học để tạo dưỡng chất sáng tạo. Ký ức tuổi thơ đầy khắc nghiệt tại chảo lửa Vĩnh Linh luôn tạo nên những ám ảnh trong tranh Võ Xuân Huy.
Anh tâm sự: “Quê tôi nằm trong vùng vĩ tuyến 17, tuổi thơ là sự đối diện với bom đạn, chiến tranh và đổ nát. Chính sự khắc nghiệt ấy đã “ăn” vào tranh của tôi như một chất liệu sáng tạo. Hãy thử hình dung mỗi con người sống trên vùng đất ấy gánh chịu bình quân 7,5 tấn bom đạn mà chiến tranh để lại”.
Đó là sự bùng nổ của ký ức, tạo nên những đường nứt nẻ, bào mòn, dội vào cảm thức người xem tiếng kêu của thiên nhiên khi bị hủy hoại trong thời bình. Thiên nhiên bị dồn nén và hủy hoại đến tang thương.
Trước những nỗi đau khôn xiết ấy, với anh cái đẹp không chỉ là sự trau chuốt, thuận mắt. Võ Xuân Huy đã sắp đặt không gian mới trong tranh của mình, từ việc kết hợp giữa sơn mài với những chất liệu trong cuộc sống hàng ngày.
Từ không gian ấy mở ra cho người xem câu hỏi chúng ta để lại những gì cho thế hệ mai sau hay chỉ là hệ lụy. Tất cả ẩn chứa sự khắc nghiệt đến mức cực đoan của khí hậu, là sự day dứt về những giá trị văn hóa của dân tộc đang bị bào mòn… thông qua các ký tự, ngôn ngữ cổ, hoa văn, những mảnh vàng son ẩn hiện dưới trạng thái “mòn” và được đặt trên nền nhăn co, nứt nẻ. Quan trọng hơn, anh muốn tranh của mình phải làm người xem xúc động và đằng sau nỗi ám ảnh phải tìm ra câu trả lời về những chuyển động trong đời sống xung quanh.
Dung Thùy