Trên nhiều vùng khó khăn của đất nước những ngày xuân về, bên màu vàng hoa mai, sắc đỏ hoa đào, năm nay lại rực sáng thêm màu xanh tình nguyện. Hàng ngàn học sinh, giáo viên, giảng viên trẻ TPHCM đã cùng nhau hy sinh ngày sum họp đầu năm để mang xuân yêu thương đến với trẻ em nghèo, cơ nhỡ và các gia đình, bản làng khó khăn, các chiến sĩ ngoài biên giới…
Góp yêu thương
Trong khi đa số sinh viên (SV) náo nức về quê đón tết với gia đình thì các tình nguyện viên của chiến dịch Xuân tình nguyện lại cùng nhau đi “góp nhặt yêu thương” trên mọi miền Tổ quốc. Với họ, xuân hạnh phúc, xuân ấm no của những đứa trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn… cũng chính là mùa xuân của mình.
Nguyễn Ngọc Hùng Minh, SV Trường ĐH KHTN (TPHCM), tâm sự: “Năm nay là năm đầu tiên em không về quê. Nhưng không khí vui tươi, ấm áp, sự sẻ chia giữa những người bạn đồng cảnh với nhau, khiến em cảm thấy như đang sống giữa những người thân vậy và em thấy đây là chương trình vô cùng ý nghĩa. Ngoài việc mang đến cho các trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo khó khăn, những gia đình nghèo khổ những món quà tết đầy ý nghĩa thì tấm lòng sẻ chia, cùng vui xuân của những tình nguyện viên thật đáng quý”.
Còn với người đã từng qua 2 mùa xuân tình nguyện, từng hạnh phúc đến tột cùng khi sẻ chia mùa xuân, đón giao thừa cùng với những trẻ em khuyết tật của TP như Nguyễn Ngọc Thùy Vinh, SV năm 3 ĐH Kinh tế TPHCM, niềm hạnh phúc ấy còn lớn hơn bội phần. Thùy Vinh chia sẻ: “Đối với SV có hộ khẩu ở TPHCM, những thứ như lịch, băng, đĩa, áo ấm, xe đạp quá đỗi bình thường và dễ dàng có được, nhưng với các em học sinh nghèo đó là món quà trong mơ. Bản thân tôi đã từng đón hai cái tết với các trẻ em nghèo khuyết tật, cơ nhỡ nên hiểu sâu sắc tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Tâm sự của Thùy Vinh cũng là tâm sự của các bạn Long, Bình, Thảo, Phượng đến từ các trường đại học khác trên địa bàn TP. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Công tác chính trị HS-SV Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho biết: “Năm nay, chương trình Xuân tình nguyện - Xuân yêu thương của trường dự tính có hơn 500 TNV tham gia. Điều đặc biệt của Xuân tình nguyện 2 năm trở lại đây là không chỉ có các bạn SV ăn tết xa nhà tham gia mà ngay cả các cụ già, cán bộ phường, xã khi vừa nghe tin chúng tôi phát động chiến dịch đã gọi điện đến trung tâm đóng góp, hỗ trợ với mong muốn mang chút yêu thương đến mọi người”.
Đêm giao thừa của nghĩa tình
Chia sẻ về cảm giác lần đầu tiên đón tết xa quê, bạn Hà Huy Hoàng, sinh viên Trường ĐH SP Kỹ thuật TPHCM, người 4 năm liền tham gia Xuân tình nguyện tâm sự: Năm đầu tiên em ăn tết xa nhà nên rất nhớ mẹ, nhớ gia đình. Nhìn những học viên xếp hàng gọi điện về nhà trước giờ đón giao thừa, tụi em ai cũng thấy nôn nao. Tuy nhiên, tụi em tự nhủ thầm với nhau, chúng ta còn nhiều cái tết bên gia đình nhưng một cái tết ở vùng rừng núi đặc biệt vô cùng và đi để thấy gia đình quan trọng thế nào với mỗi con người”.
Hạnh phúc ngập tràn bên các em nhỏ nơi núi rừng bên những lời sẻ chia từ ba mẹ, người thân là cảm xúc gần như của tất cả mọi người thì có cảm giác đang đón tết ở nhà dù Hoàng đang phải đón tết xa quê: “Lần đầu tiên mình đón giao thừa xa nhà là lúc em tham gia hoạt động Xuân tình nguyện ở Trung tâm Giáo dục và dạy nghề thanh thiếu niên 2, Củ Chi. Cảm giác nhớ mẹ, nhớ bố và cảm giác ấm cúng, rộn ràng khi cả nhà quây quần cùng đón thời khắc giao thừa, chúc tết nhau, được bố mẹ lì xì là cứ quay quắt. Tuy nhiên, sự sẻ chia, niềm vui của cả một đại gia đình đêm giao thừa đã phần nào vơi bớt những cảm xúc trên”.
Tính đến nay, bạn Đoàn Lê Hiếu Phượng, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM đã 3 lần tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện. Với Phượng, mùa xuân khó quên nhất là chuyến đi Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoạt động tình nguyện năm ngoái. Thời tiết khắc nghiệt vì đang lúc mùa gió chướng, ngày gió thổi nóng và hanh, đêm lạnh toát, cả đoàn phải trải qua quãng đường dài di chuyển đến mặt trận hoạt động nhưng vẫn thức đến gần sáng để chuẩn bị cho những hoạt động ngày hôm sau. Đêm giao thừa, sự thân thiện, gần gũi của anh em chiến sĩ biên phòng đã làm Phượng và các bạn tham gia chiến dịch không còn cảm giác mình đang đón tết xa nhà nữa.
| |
Anh Nguyễn