Ảm đạm

Theo kế hoạch, hôm nay 5-4, đất nước Chùa Vàng một lần nữa chứng kiến 2 cuộc đại biểu tình của cả hai phe: chống đối và ủng hộ chính phủ.

Theo kế hoạch, hôm nay 5-4, đất nước Chùa Vàng một lần nữa chứng kiến 2 cuộc đại biểu tình của cả hai phe: chống đối và ủng hộ chính phủ.

Lãnh đạo phe chống chính phủ Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ huy động lực lượng trên toàn quốc xuống đường, đồng thời đặt mục tiêu mở cuộc “đại chiến” quyết giành thắng lợi cuối cùng trong tháng 4-2014. Trong khi đó, Chủ tịch Mặt trận dân chủ chống độc tài UDD (tức phe Áo đỏ) Jatuporn Promphans cho biết, cũng sẽ tổ chức cuộc đại biểu tình, được xem là lớn nhất trong 4 năm trở lại đây với số lượng lên đến 500.000 người, ngay sát Bangkok trong 2 ngày 5 và 6-4 nhằm thể hiện sự ủng hộ với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Các chuyên gia cho rằng việc hai phe ủng hộ và chống chính phủ tổ chức biểu tình quy mô lớn với lập trường không khoan nhượng sẽ dẫn đến nguy cơ cao xảy ra đối đầu bạo lực. Đặc biệt, xung đột bạo lực giữa hai phe có thể bùng phát nếu Ủy ban Chống tham nhũng phán quyết bà Yingluck vi phạm pháp luật liên quan đến chương trình thu mua lúa gạo hay Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết buộc tội bà quản lý yếu kém. Nếu những tình huống này xảy ra, bà Yingluck có thể bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng tạm quyền.

Trong lúc này, chính phủ tạm quyền đang đẩy nhanh việc loại bỏ thuật ngữ “trung lập” trong từ vựng chính trị Thái Lan. Ngày 4-5, Bộ trưởng Bộ Lao động Chalerm Yubamrung tuyên bố chính phủ sẽ gia tăng thách thức pháp lý cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm viện dẫn Điều 7 của Hiến pháp Thái Lan để bổ nhiệm một thủ tướng “trung lập” trong trường hợp Thủ tướng tạm quyền Yingluck bị đình chỉ chức vụ.

Trưởng Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) Thawil Pliensri, một trong những phó thủ tướng, sẽ tạm thời đảm nhận vị trí này cho đến khi một chính phủ mới nhậm chức. Ông cũng cho rằng bất cứ ai được bổ nhiệm làm thủ tướng phải là một nghị sĩ theo quy định của hiến pháp và cách viện dẫn như Điều 7 để chỉ định thủ tướng là không thể chấp nhận được. Chính phủ hiện tại yêu cầu ứng cử viên sẽ được xem xét dựa trên nền tảng trình độ pháp lý chứ không phải thái độ “trung lập” hoặc đảng phái tham gia. Việc giải thích và áp dụng thuật ngữ “trung lập” trong Hiến pháp năm 2007 đang dẫn đến thảm họa và hạ thấp sự toàn vẹn của luật pháp Thái Lan.

Động thái của đảng cầm quyền Pheu Thai cho thấy có vẻ như họ tin rằng số phận của bà Yingluck đã được định đoạt. Do vậy, việc tìm kiếm một thủ tướng mới thực sự đã bắt đầu. Tuy nhiên, thời gian đang không còn nhiều.

Trước đó, quyết định hủy kết quả bầu cử của tòa hiến pháp không gây sốc cho ngay cả các quan sát viên lạc quan nhất về chính trường Thái Lan, bao gồm cả đảng Pheu Thai cầm quyền. Quyết định này xác nhận điều mà nhiều người Thái lo sợ: một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Tóm lại, đụng độ đường phố và bạo lực sẽ tiếp tục diễn ra ở Thái Lan.

Những người Áo đỏ ủng hộ chính phủ hay Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), do được hồi sinh từ thành công mới đây, sẽ vẫn tiếp tục huy động người xuống đường với quy mô ngày càng lớn. Chính phủ bị suy yếu từ diễn biến mới nhất, ngày càng có xu hướng sử dụng vũ lực. Bạo lực ngẫu nhiên, chẳng hạn như đánh bom và đốt phá do những người áo đen bí ẩn thực hiện, cũng là một mối nguy hiểm.

Tương lai chính trị ở Thái Lan ảm đạm hơn bao giờ hết.

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục