Ảm đạm thị trường lao động toàn cầu

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22-1 công bố báo cáo cho biết thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2012 đã tăng lên con số 197 triệu người và dự báo trong những năm tới, tình hình việc làm rất ảm đạm.
Ảm đạm thị trường lao động toàn cầu

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22-1 công bố báo cáo cho biết thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2012 đã tăng lên con số 197 triệu người và dự báo trong những năm tới, tình hình việc làm rất ảm đạm.

  • Những con số lo ngại

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết so với năm 2007, thời điểm trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát, số người không có việc làm tăng 28 triệu người. 75% số người bị mất việc sống tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi, đặc biệt là các nước nằm phía Nam sa mạc Sahara, số còn lại thuộc về các nước phát triển.

Điều đáng lo ngại là tình trạng thất nghiệp kéo dài, đặc biệt tại các nước phát triển, nơi có tới 1/3 số người mất việc làm hơn 1 năm. Ngoài ra, báo cáo của ILO còn cho biết thêm, hiện có khoảng 870 triệu người, trước hết là ở các quốc gia đang phát triển, mặc dù có việc làm nhưng thu nhập chưa được 2 USD/ngày, trong đó khoảng 400 triệu người đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói.

Các chuyên gia của ILO cũng không lạc quan về triển vọng việc làm trong tương lai gần. Kỷ lục về số người thất nghiệp sẽ bị phá vỡ trong năm 2013 khi ước tính có khoảng 5,1 triệu người trên toàn cầu mất việc, nâng tổng số người thất nghiệp lên hơn 202 triệu người.

Con số này sẽ tăng thêm 3 triệu người vào năm 2014. Đặc biệt, số người trẻ (từ 15 -24 tuổi) thất nghiệp sẽ ngày càng tăng. Năm ngoái, số người không kiếm được việc làm ở độ tuổi trên là 73,80 triệu, tương đương 12,6% và dự báo đến năm 2017 sẽ tăng lên 12,9%. So với thời kỳ trước khủng hoảng, số thanh niên thất nghiệp đã tăng thêm 3,4 triệu người.

Một người thất nghiệp tìm việc làm tại Milan, Italia.

Một người thất nghiệp tìm việc làm tại Milan, Italia.

  • Tăng trưởng để tạo việc làm

ILO chỉ ra rằng sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đáng kể tới thị trường lao động. Tại các quốc gia thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, tình trạng thất nghiệp càng đáng ngại khi các chính sách kinh tế trên liên quan trực tiếp đến việc cắt giảm việc làm, lương bổng, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động. Đáng ngại hơn, sau khi các chính phủ đối phó với khủng hoảng bằng các gói kích thích kinh tế, việc sử dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng sau đó lại đưa các nước trở lại suy thoái.

Thế giới đang cảm nhận được “hiệu ứng lan tỏa” từ cuộc khủng hoảng tại châu Âu. Như tại Mỹ Latinh và Caribbean, không những nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu mà cả dòng vốn đầu tư tại khu vực này cũng đang giảm mạnh. Trước tình hình trên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, kêu gọi các nước tập trung vào tăng trưởng kinh tế thay vì thắt lưng buộc bụng, bởi chỉ có tăng trưởng mới tạo ra việc làm.

Trong khi đó, ông Ryder nhấn mạnh vấn đề thất nghiệp đang thực sự là cuộc khủng hoảng toàn cầu, vì vậy bên cạnh việc nhanh chóng áp dụng các biện pháp ở cấp độ quốc gia cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế.

Báo cáo của ILO được đưa ra cùng thời điểm với một số dự báo về những rủi ro sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013. Mạng tin Project syndicate đưa ra 5 rủi ro.

Thứ nhất, thỏa thuận của Mỹ sẽ không khiến nước này hoàn toàn thoát khỏi “vách đá tài chính”. Sớm hay muộn, một cuộc chiến nữa sẽ diễn ra về mức trần nợ công. Các thị trường có thể hoảng sợ trước khả năng xảy ra một vách đá tài chính nữa. Ngay cả thỏa thuận mà Chính phủ và Quốc hội Mỹ vừa đạt được cũng có thể khiến kinh tế Mỹ sụt giảm khoảng 1,4% GDP trong bối cảnh kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng ở mức 2% trong vài quý qua.

Thứ hai, kinh tế châu Âu năm 2013 vẫn tiếp tục đình đốn hoặc suy giảm do các chính sách khắc khổ, đồng euro mạnh và khủng hoảng tín dụng.

Thứ ba, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, các dự án cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.

Thứ tư, nhiều thị trường mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ hiện đang suy giảm kinh tế. Cuối cùng là những nguy cơ địa chính trị. Toàn bộ khu vực Trung Đông từ bán đảo Ảrập đến Afghanistan và Pakistan đang bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội. 

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục