Ấm lòng công nhân nghèo

Mặc dù dịp Tết Quý Tỵ năm nay tình hình kinh tế chưa hết khó khăn nhưng cùng với những nỗ lực chăm lo tết của cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, công nhân, người lao động nghèo đã được đón một cái tết ấm cúng.
Ấm lòng công nhân nghèo

Mặc dù dịp Tết Quý Tỵ năm nay tình hình kinh tế chưa hết khó khăn nhưng cùng với những nỗ lực chăm lo tết của cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, công nhân, người lao động nghèo đã được đón một cái tết ấm cúng.

Cùng đón giao thừa

Tại khu nhà trọ của chị Hằng (phường Tân Tạo A, Bình Tân) có 20 phòng thì có đến 12 phòng, công nhân không về quê ăn tết. Chị Hằng cho hay, năm nay tiền thưởng ít, thu nhập cũng thấp hơn năm ngoái nên hầu hết các cặp vợ chồng công nhân có con nhỏ đều ở lại ăn tết tại nhà trọ. Đa phần công nhân ở trọ tại đây đều là người miền Bắc và miền Trung nên trước giao thừa 2 ngày, chị Hằng tổ chức cho công nhân gói bánh chưng, làm dưa món.

Công nhân gói bánh tét tại khu nhà trọ của bà Doãn Thị Mai, quận Bình Tân, TPHCM.
Công nhân gói bánh tét tại khu nhà trọ của bà Doãn Thị Mai, quận Bình Tân, TPHCM.

“Bản thân tôi cũng từng là công nhân vào đây lập nghiệp nên cũng phần nào hiểu được tâm trạng phải đón tết xa quê, xa gia đình. Năm nay công việc cũng rảnh rỗi nên tôi quyết định tổ chức vui tết cho anh em ở nhà trọ. Tôi mua sẵn nếp, đậu, thịt, lá dong… Còn gói thì các công nhân cùng gói. Tối nấu bánh chưng cũng là bữa tiệc tất niên cho xóm trọ”, chị Hằng cho biết.

“Những ngày tết anh em ở đây quây quần như một gia đình, hôm nay phòng này đãi món này, ngày mai phòng khác đãi món khác. Toàn là đặc sản của từng vùng miền gửi vào cả. Chủ nhà trọ còn cho mượn nguyên dàn karaoke để anh em vui xuân. Đêm giao thừa, chủ nhà trọ lì xì cho các cháu trong xóm trọ giống như ở nhà ông bà thường lì xì cho cháu vậy, nhờ thế mà cái tết xa quê cũng đỡ nhớ nhà hơn”, anh Nguyễn Cảnh Tuấn, quê Nghệ An, trọ tại phòng số 7, giãi bày.

Còn tại khu nhà trọ của chị Oanh (phường Bình Trị Đông A, Bình Tân) có gần 30 phòng trọ, giao thừa năm nay, chị tổ chức một mâm tiệc để những công nhân không về quê đón tết đón thời khắc thiêng liêng của năm mới. Để thêm không khí, chị chuẩn bị sẵn một số quà cùng cây mùa xuân để những người ở trọ cùng nhau bốc thăm, nhận quà. “Trong những ngày giáp tết, xóm trọ vui lắm. Người lớn, trẻ con ban ngày đi chơi, tối về cùng nhau đến từng phòng chúc tết và sau đó mỗi người góp mỗi món ăn cùng nhau ra trước hành lang ăn uống và hát karaoke mừng xuân. Hầu hết anh em ở đây không cùng quê với nhau nhưng lại làm chung công ty nên cũng thân tình như người trong nhà”, anh Nguyễn Hữu Hùng, quê Quảng Trị cho hay.

Ông Nguyễn Văn Dễ, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân cho biết, trên địa bàn hầu hết các chủ nhà trọ đều hỗ trợ chăm lo và tổ chức vui xuân ấm áp nghĩa tình cho công nhân ở trọ xa nhà. Đặc biệt có 5 cụm câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ tổ chức cho công nhân các khu nhà trọ gói bánh tét và tặng lại công nhân.

Nỗ lực vì công nhân

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, cho biết, năm nay tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống công nhân, nhất là công nhân nghèo. Trước tình hình trên, LĐLĐ TP đã chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động nắm sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phối hợp xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động tại doanh nghiệp, nhất là những công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện về quê đón tết hoặc mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể, chủ bỏ trốn; bản thân vợ hoặc chồng đang là công nhân lao động nhưng bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế…

Theo ông Trần Thanh Hải, trong dịp Tết Quý Tỵ đã có trên 712.679 công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn được các cấp công đoàn, đơn vị, doanh nghiệp chăm lo tết bằng nhiều hình thức như tặng quà, hỗ trợ tiền, vé xe với tổng số tiền gần 413 tỷ đồng, trong đó có 25.243 người lao động được tặng vé xe trị giá gần 17 tỷ đồng để về quê đón tết. Ngoài ra năm nay tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều tổ chức vui tết cho công nhân. Các cuộc thi gói bánh tét, nấu bánh tét truyền thống vừa để công nhân vui xuân vừa làm quà tặng lại công nhân.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, TPHCM đã thực hiện tốt các chính sách an sinh khác như như xây dựng nhà lưu trú, thực hiện giá điện sinh hoạt đúng quy định, trợ vốn cho công nhân tự tạo việc làm, thăm hỏi tặng quà và tiền cho công nhân bị bệnh hiểm nghèo, vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng cho thuê…

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, năm nay chỉ tính riêng các doanh nghiệp trong Hepza đã tham gia hỗ trợ cho công nhân được gần 8 tỷ đồng với trên 30.500 phần quà. Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngoài Hepza... cũng hỗ trợ 3.100 phần quà (300.000 đồng/phần) để tặng những công nhân ăn tết xa quê. Năm nay, ngoài hỗ trợ về vật chất, Hepza tổ chức đêm hội “Vui tết cùng công nhân” cho các công nhân không có điều kiện về quê đón tết tại năm cụm khu công nghiệp, lãnh đạo thành phố đến dự và lì xì cho công nhân với sự chung vui của hàng ngàn công nhân. Năm 2012, Hepza đã khánh thành và đưa vào sử dụng 5 công trình nhà lưu trú công nhân và đến nay đã có 11 công trình nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng với hơn 11.400 chỗ ở…

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục