TPHCM - Chung tay lo tết đủ đầy
Tết đến, ai cũng mong được sum vầy bên mâm cơm gia đình để cùng đón giao thừa, chào năm mới. Thế những, với những công nhân xa quê vào TPHCM tìm kế sinh nhai, không phải ai cũng có điều kiện để về quê ăn tết. Hiểu được nỗi buồn của công nhân ở lại, nhiều chủ nhà trọ thường tổ chức tiệc tất niên, gói bánh tét, làm kiệu, tặng quà, lì xì để công nhân ở lại ấm lòng vào mỗi độ xuân về.
Giao thừa cùng đại gia đình
Những ngày qua, vào buổi chiều, khi công việc gia đình đã thư thả, bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ số 37/3 đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TPHCM) lại sang các phòng trọ để thăm hỏi công nhân tình hình công việc, lương thưởng và kế hoạch về quê ăn tết năm nay. Mỗi ngày cô đi vài phòng, hỏi han xem vì sao công nhân không về quê, rồi về nhà ghi số lượng công nhân sẽ ở lại. “Năm ngoái có gần 60 người ở lại, năm nay tôi mới hỏi sơ sơ đã có hơn 80 người không có điều kiện về quê ăn tết. Vậy là hơn 2/3 công nhân sẽ lại đón tết xa quê”, cộng lại danh sách, bà Thanh Hoa cho biết. Đã 6 năm nay, cứ mỗi độ tết đến, bà Hoa lại tất bật lo chuẩn bị mọi thứ để giúp công nhân trong khu trọ cả người về lẫn người ở lại đều có thể vui vẻ đón tết.
Bà Nguyễn Thị Thu (phải) thăm hỏi gia đình công nhân trong khu trọ của bà.
Để giúp công nhân có thêm không khí tết quê nhà, bà Hoa dự kiến từ ngày 20 đến 23 tháng chạp sẽ cùng công nhân làm kiệu, rồi mang chia cho tất cả công nhân trong khu trọ. Biết công nhân thích nấu nướng, buổi tiệc tất niên, bà để công nhân tự do sáng tạo. Nam đi chợ, nữ ở nhà chuẩn bị nấu ăn. Bà thường chọn ngày làm tất niên vào chủ nhật để tất cả công nhân nhà trọ đều có thể tham gia. Những năm trước, vào ngày tổ chức tất niên, khoảng sân vườn nhà bà Hoa vui như ngày hội. Mọi người vui vẻ ăn uống, nói cười, hát hò và nhận những phần quà có giá trị 300.000 đồng/phần do tự tay bà Hoa mua hàng về gói. “Có những người đã ở đây cùng tôi hơn 16 năm, nên tình cảm như ruột thịt. Tôi xem chúng như con cháu nên nghĩ mình cần thay mặt gia đình làm vài việc để giúp công nhân đỡ nhớ nhà trong ngày tết đến”, bà Thanh Hoa chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, mỗi năm bà lại bỏ ra hơn 15 triệu đồng mà bà xem như không lấy tiền nhà trọ tháng cuối để mua quà bánh và tổ chức tiệc tất niên cho mọi người. Riêng những công nhân ở lại, bà tổ chức gói và nấu bánh chưng, bánh tét vào ngày 28 Tết. Trong đêm giao thừa, bà Hoa mời tất cả sang nhà bà cùng ăn bánh, trò chuyện, nhận lì xì và đón thời khắc thiêng liêng của năm cùng gia đình. “Đã 3 năm nay, em chưa về quê đón tết. Nhưng chính những tình cảm, việc làm của dì Hoa đã giúp em thấy mình như đang được ở nhà cùng ba mẹ mỗi dịp xuân về”, chị Thúy An (Công ty Perfetti Van Melle) tâm sự.
Thuê nhạc sống phục vụ công nhân
Chúng tôi đến nhà trọ của bà Nguyễn Thị Thu Tuyết (KP1, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) khi bà đang mặc thử 2 chiếc áo mới cho 2 bé gái con một công nhân tại đây. “Đi làm về thấy 2 cái áo đẹp nên tôi mua tặng mấy đứa nhỏ để tết đến chúng có áo mới mặc với bạn bè. Tội nghiệp, ba mẹ chúng rất khó khăn”, bà Thu Tuyết chia sẻ. Công nhân trong khu trọ này đã khá quen với việc bà hay giúp đỡ người này, người kia khi họ có việc khó khăn. Ngày thường là vậy, riêng mỗi dịp tết đến, bà lại tổ chức tiệc tất niên cùng những món ăn rất ngon mà chính tay bà và một số nữ công nhân lên thực đơn. Ngoài ra bà còn tặng mỗi người một món quà giá trị gần 300.000 đồng/phần, lì xì 50.000 - 100.000 đồng để công nhân vui vẻ ngày tết. “Ra tết, khi công nhân đi làm trở lại, tôi cũng tổ chức buổi liên hoan họp mặt đầu năm rất đầm ấm. Năm nay gia đình có việc lu bu tôi định không tổ chức tiệc tất niên, nhưng nghĩ lại thấy thương công nhân xa quê nên tôi quyết định vẫn làm như mọi năm để công nhân vui vẻ đón tết”, bà Thu Tuyết cho biết. Theo thông lệ, đêm giao thừa bà cùng công nhân làm lễ cúng gia tiên rồi cùng đi đến chùa hái lộc đầu năm.
Những năm gần đây, rất nhiều chủ nhà trọ bắt đầu tổ chức tiệc tất niên và tặng quà cho công nhân ở lại. Tại khu trọ của bà Huỳnh Thị Hoài Điệp (quận Bình Tân), bà Nguyễn Thị Thu (quận Thủ Đức), bà Cù Nhật Phương (quận Bình Tân), công nhân cũng được đón một cái tết rộn ràng, ấm cúng. Bà Nguyễn Thị Thu chia sẻ: “Công nhân ở đây đa phần quê rất xa như Thanh Hóa, Nghệ An nên để về quê dịp tết là rất tốn kém, họ thường chọn ăn tết xa quê, vài năm mới về một lần và để dành tiền gửi về cho bố mẹ có tết nhất với hàng xóm. Thương công nhân nên tôi tổ chức tiệc tất niên và tặng quà để họ thấy như đang ở nhà đón tết cùng gia đình”. Riêng tại khu nhà trọ của bà Cù Nhật Phương, buổi tiệc tất niên năm sau thường lớn hơn năm trước. Ngoài được ăn tiệc, nhận quà, nhận lì xì, công nhân còn được tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn. Để không khí thêm sôi động, bà Phương thường thuê một dàn nhạc sống để công nhân có thể “cháy” hết mình.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Công ty Himaru, KCN Sóng Thần 2), quê Thanh Hóa, đang ở nhà trọ bà Nguyễn Thị Thu, bộc bạch: “Em có 2 con nên cuộc sống khá chật vật. Tết đến ai tính chuyện về quê chứ gia đình em phải ở lại. Trước đây ở trọ bên ngoài, tết đến thấy nhà nhà tổ chức tiệc em rất chạnh lòng. Giờ nhờ có buổi tiệc tất niên và quà của cô Thu gửi tặng, em thấy ấm lòng và đỡ nhớ quê hơn”.
THÁI PHƯƠNG - VÂN ANH
>> Bài 2: Những chuyến xe nghĩa tình