Nhờ ca khúc Gangnam Style của Psy, giấc mơ đưa những ban nhạc Kpop (nhạc pop Hàn Quốc) trở nên nổi tiếng ở châu Âu và Mỹ đã trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, thị trường Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 0,5% thị phần xuất khẩu âm nhạc của Hàn Quốc. Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi khi rapper Psy trở nên nổi tiếng ngoài mong đợi và Gangnam Style đạt kỷ lục 1 triệu lượt xem trên YouTube (ảnh).
Theo ông Min Kim, người đứng đầu Kocca, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm xúc tiến việc xuất khẩu ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc ra nước ngoài, trước Psy, người dân phương Tây gắn Hàn Quốc với công nghệ thông tin, giờ đây với Gangnam Style, họ liên tưởng đến âm nhạc khi nghĩ về đất nước này. Thành công của Psy đã thuyết phục được những người hâm mộ và người trong ngành âm nhạc phương Tây có một cái nhìn gần gũi hơn với Kpop. Không những thế, thành công của Psy đã tăng thêm sự tự tin cho các nghệ sĩ Hàn Quốc khác và những công ty quản lý.
Gặp nhiều thuận lợi nhờ sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Psy song âm nhạc Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn ở thị trường phương Tây. Bên cạnh bài toán về âm nhạc, nghệ sĩ Hàn khi đặt chân đến phương Tây còn phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Ở bất cứ thị trường âm nhạc nào cũng vậy, việc nghệ sĩ giao lưu với người nghe nhạc được xem là một trong những yếu tố tốt nhất để hỗ trợ cho chiến dịch marketing bản thân.
Đặc biệt, đối với người phương Tây không quen xem và nghe nhạc Hàn Quốc, việc phải chứng kiến các ca sĩ lạ lẫm đến từ một nước châu Á nói những câu tiếng Anh khá chật vật quả thực là cực hình. Tất cả các ca sĩ Kpop, từ Bi Rain cho đến Wonder Girls, đều không có khả năng giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, nhiều lần tạo nên những cuộc đối đáp nhạt nhẽo hay thậm chí khá buồn cười với khán giả và giới truyền thông Mỹ. Sự khác nhau rất rõ ràng giữa hai trường phái này cho thấy chiến lược từ trước đến nay của Kpop có vẻ đã không thành công khi đem cả văn hóa thần tượng sang đất Mỹ, châu Âu mà không có sự thích nghi, thay đổi cho hợp với môi trường.
PHƯƠNG NAM