Dòng chảy chính thống
Trong những năm qua, âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thế hệ đi trước. Dòng chảy chính vẫn là dòng chính thống, gắn bó với mạch nguồn dân tộc, với vận mệnh của đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, hướng tới những giá trị nhân văn. Lĩnh vực sáng tác chủ yếu, cũng là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam vẫn là ca khúc. Tiếp theo các thế hệ đàn anh, một lực lượng sáng tác trẻ đã xuất hiện và trở thành tiếng nói mới, góp phần vào đời sống ca nhạc, chiếm được cảm tình của công chúng và có tác dụng tích cực với xã hội.
Nền âm nhạc Việt Nam chuyển từ thời kỳ chiến tranh sang hòa bình, đòi hỏi có những thay đổi về đề tài - chủ đề. Chủ đề - đề tài giờ đây nói về quê hương mới, những công trình xây dựng, về thân phận con người sau chiến tranh... Bên cạnh hàng trăm ca khúc mới ra đời, đã xuất hiện những tác phẩm thể loại lớn như: Giao hưởng số 9 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, Oratorio Chiếu dời đô của Doãn Nho...
Hiện nay, một bộ phận công chúng thường chỉ chú ý vào các ca khúc thị trường ra đời một cách vội vàng với ca từ đơn giản, sáo rỗng, âm nhạc lai căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài. Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc. Truyền hình cũng cần thu hút khán giả nên ngày càng có nhiều hơn các cuộc chơi ca nhạc, biến âm nhạc thành những trò chơi, vô hình trung hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nghiêng sang lĩnh vực giải trí đơn thuần. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc bị hạ thấp và lệch chuẩn.
Thực tiễn đời sống âm nhạc của nhân dân cho thấy, có những thời điểm công chúng yêu ca nhạc Việt Nam đã chịu sự lôi cuốn ào ạt của nhiều đợt sóng ca nhạc hải ngoại, nhạc rock quốc tế. Vào những năm 80 đã có những cơn sốt “nhạc nhẹ” với những biểu hiện lệch lạc, quá đà, song điều đó cũng nói lên nhu cầu của công chúng Việt Nam, nhất là lớp trẻ, đối với loại hình, lĩnh vực âm nhạc theo phong cách nhạc nhẹ giải trí.
Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện việc tiếp thu và chuyển hóa nhạc pop quốc tế cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt Nam. Tiếp nhận và chuyển hóa trước hết trong sáng tác và cả trong biểu diễn bằng cách tăng cường âm hưởng dân gian - dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Đây cũng là hướng đi đúng mà một số nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ hiện đại Việt Nam đã đi vào khai thác và đã có những kết quả bước đầu.
Xây dựng đội ngũ kế cận
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là việc xây dựng đội ngũ kế cận, khi mà lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng. Chỉ khi nào có được đội ngũ nhạc sĩ trẻ kế tục con đường âm nhạc dân tộc với kiến thức, tài năng, ý thức xã hội, thì chúng ta mới hy vọng có được những tác phẩm chất lượng cả về nghệ thuật và nội dung. Vấn đề nữa đó là việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam giữ vững quan điểm là từ phương châm xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại, chúng ta cần kiên định đi theo con đường phát triển 3 dòng âm nhạc: Âm nhạc dân gian dân tộc, âm nhạc kinh điển - hàn lâm và âm nhạc đại chúng.
Đây là một phương châm đúng đắn, phù hợp với bước phát triển mới của đời sống âm nhạc, vừa duy trì, hoàn thiện và từng bước nâng cao cái gốc, cái chính thống của nền văn hóa âm nhạc một quốc gia, bác học, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng, đặc biệt là tuổi trẻ. Cả 3 dòng âm nhạc này đều phải gắn với phương châm đi lên từ dân tộc, tiến tới từng bước hiện đại, hội nhập với quốc tế, hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với nội dung nhân văn, tiến bộ trong thời đại mới.