Nguyên tắc… không dùng 2 lần
Mọi thứ đều có tính thời điểm và một bài hát được ưa thích, hâm mộ đều có lý do riêng. Vì thế, mỗi ca khúc thường chỉ sử dụng một lần duy nhất trong chiến dịch tranh cử, rất hiếm dùng lại trong đợt tái tranh cử. Mỗi chiến dịch đều cần những thông điệp mới mẻ, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội.
Năm 2008, chiến dịch của Tổng thống Barack Obama gắn với bản nhạc soul Signed, Sealed, Delivered I’m Yours (tạm dịch Hãy ký, niêm phong, chuyển nó đi và tôi đã thuộc về bạn) của nam danh ca Stevie Wonder, một ca khúc vui nhộn, hào hứng. Hết nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ năm 2008 đã lan rộng toàn cầu, gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Ca khúc vui nhộn của Stevie Wonder không còn phù hợp với bối cảnh xã hội lúc này. Khi tái tranh cử năm 2012, đảng Dân chủ của ông Obama sử dụng ca khúc sâu sắc hơn We Take Care of Our Own (tạm dịch Chúng ta tự chăm lo bản thân) của ngôi sao rock Bruce Springsteen. Bài hát khắc họa con người trở nên khô khan, lạnh lùng hơn và không còn sẵn lòng giúp đỡ nhau sau những năm tháng kinh tế trở nên khó khăn. Tuy nhiên, phần điệp khúc lại lạc quan, tươi sáng hơn với giấc mơ Mỹ. Thông điệp này khá phù hợp, khơi gợi với trọng tâm cải cách hệ thống y tế Obamacare do đảng Dân chủ của ông Obama đề xuất.
Ngoài ra, chuyện “cũ người, mới ta” được xem khá bình thường khi 2 ứng viên khác nhau có thể khai thác cùng một ca khúc, miễn là khác thời điểm.
Lựa chọn của đảng phái
Các chính trị gia Mỹ khá ưa thích các ca khúc rock với thể loại đa dạng. Tuy nhiên, một số ứng viên có những lựa chọn khác thường. Ví dụ như ứng cử viên đảng Cộng hòa, John McCain, người đã qua đời vì bệnh ung thư não, năm 2008 đã từng chọn ca khúc của ABBA là Take a Chance on Me (Hãy trao cho anh một cơ hội), với ca từ vui nhộn hơn là thông điệp chính trị. Ông tự nhận mình là fan ruột của nhóm ABBA. Trong khi đó, sinh ra trong gia đình giàu có, nghị sĩ John Kerry tham gia tranh cử tổng thống năm 2004 với ca khúc phản chiến Fortunate Son (Chàng trai may mắn) của nhóm rock CCR thập niên 70. Sự thất bại của ông John Kerry, đảng Dân chủ, trước ứng cử viên đảng Cộng hòa, George W. Bush, có thể lý giải phần nào từ việc lựa chọn không hợp lý với phần âm nhạc. Bài hát nhấn mạnh vào thành tích quá khứ tham gia quân ngũ của Kerry hơn là thông điệp hành động cho tương lai.
Ở góc độ thú vị khác, các chính trị gia nước Mỹ dường như đều yêu mến nghệ sĩ Tom Petty và các ca khúc của ông. Âm nhạc của Tom Petty có giai điệu giản dị nhưng cuốn hút, tiết tấu vừa phải, đặc biệt tính nội dung sâu sắc. Không quá ngạc nhiên, khi ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton sử dụng ca khúc American girl (Cô gái Mỹ) trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Về phía đảng Cộng hòa, George W.Bush và kể cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng khá mê bản nhạc I won’t back down (Tôi sẽ không lùi bước).
Chuyện bản quyền
Vấn đề bản quyền trở nên khá căng thẳng nếu chiến dịch tranh cử sử dụng ca khúc thiếu sự đồng thuận của tác giả. Đơn cử như Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đối mặt với liên tiếp các vụ kiện tụng liên quan tới bản quyền âm nhạc. Ông từng thành công trong chiến dịch tranh cử năm 2016, sử dụng ca khúc rock sôi động của Neil Young Rocking in the free world (Rung chuyển thế giới tự do). Mới đây, Neil Young đã chính thức kiện Tổng thống Mỹ sử dụng bài hát trái phép, đòi bồi thường với số tiền 150.000 USD.
Không chỉ riêng Neil Young, mà nhóm rock The Rolling Stones cũng lên tiếng cáo buộc ông Donald Trump sử dụng âm nhạc họ khi chưa được sự chấp thuận. Chiến dịch của ông Donald Trump đã sử dụng bản hit You Can’t Always Get What You Want (Bạn không dễ dàng có những thứ bạn muốn) tại buổi mít tinh ở TP Tulsa, bang Oklahoma hồi tháng 6 vừa qua. Kể cả gia đình nghệ sĩ Tom Petty cũng cho rằng, ca khúc của Petty không phù hợp với màu sắc chính trị của ông Donald Trump.