Thử sắm vai khách du lịch, lang thang tới vài ngóc ngách ở Palembang những mong cảm nhận thêm đôi chút về sức sống và con người nơi đây, sợ nhất là “được” ăn cơm bụi, nhưng thú vị nhất là cảm giác thuê được nguyên căn nhà để ở giữa thời buổi “cháy phòng” của SEA Games 26…
Danh sách những chuyện khó tưởng tượng ở Palembang - thành phố đồng đăng cai SEA Games 26 cùng thủ đô Jakarta - thì rất dài. Tìm được khách sạn lưu trú đã nhức đầu, kiếm được chỗ ăn cho hợp khẩu vị còn khó gấp vạn lần.
Rời khu Liên hợp thể thao Jakabaring lúc giữa trưa, bụng đói cồn cào, tôi cùng 2 đồng nghiệp lang thang tìm quán ăn. Ven đường có một quán cơm, cả 3 lập tức ghé vào. Sau một hồi giải thích bằng thứ “ngôn ngữ chân tay” với bác chủ quán, rốt cuộc chúng tôi cũng có được 3 đĩa cơm. Cả quán bất chợt ngừng ăn, nhìn thẳng về phía chúng tôi, như thể 3 anh em là những sinh vật lạ. Thì ra chúng tôi dùng muỗng và dĩa, thay vì ăn… bốc như họ!
Đói ngấu, nhưng nói thật, nhìn những hạt cơm rời rạc, miếng thịt gà chiên cứng như đá và phiến tàu hũ ngả màu nâu, tất cả cùng nghi ngại. Gắng gượng lắm, chúng tôi mới ăn được nửa phần cơm trắng, thức ăn để lại hết vì không quen mùi vị. Trông sang bên cạnh, nhìn cảnh người người xếp bằng trên tấm phản, vón cơm ăn ngon lành mà thấy thèm thuồng…
Cơm bụi Palembang là thế đấy, nếu không quen sẽ khó mà nuốt trôi. Về sau, anh bạn mới quen Eddi Susanto giải thích rằng đa phần khách du lịch khi đến Palembang đều không quen với vị cơm và thức ăn nơi đây. Dễ ăn nhất chỉ có thể tìm đến các quán bán đồ hải sản Paceh Lele nằm dọc các tuyến đường.
Quán kiểu này cũng lạ, được quây kín bởi những tấm bạt in hình tôm, cua, cá, bạch tuộc… Thức ăn đều được chế biến theo kiểu truyền thống, nghĩa là có nhiều nước sốt và vị cà ri. Ít ra, món ăn ở đây còn gần gũi so với phong cách ăn của người Việt Nam chút chút, cũng đỡ đói lòng ở xứ sở xa lạ này.
Thế nhưng, điều thú vị nhất trong vai khách du lịch của chúng tôi là phát hiện ra ở Palembang cũng có món Sài Gòn: Hủ tíu mì bò viên! Anh bạn đồng nghiệp la toáng lên vì hớn hở, và rồi xì xụp húp một lèo hết cả tô. Hóa ra, nếu chịu khó lang thang tìm kiếm, Palembang cũng có những điểm thú vị riêng, chứ không hẳn chỉ là những điều khó hiểu, khó chấp nhận như vài ngày vừa qua chúng tôi phải hứng chịu.
o0o
Anh Jusni Ramli - người bạn đồng hành cùng chúng tôi trong những ngày đầu ở Palembang - bảo rằng đây là xứ lạ, nhất nhất phải cẩn trọng. Đường xá ngược hẳn với Việt Nam, xe cộ đông đúc và phóng rất nhanh, nên lúc muốn qua đường, phải nhìn trước ngó sau thật kỹ mới được đi. Jusni rất tử tế, chỉ dẫn chúng tôi tận tình, thậm chí lặn lội tìm mướn khách sạn giùm chúng tôi từ khi cả nhóm còn chưa sang đến đây. Khách sạn nhỏ, khá cũ và đúng chất Palembang: không tủ lạnh, không nước nóng và rất nhiều muỗi!
Đợi một chiếc taxi đến khách sạn đón đi, chúng tôi phải mất ít nhất nửa giờ đồng hồ. Đã vậy, khi yên vị trên xe, điều choáng váng tiếp theo chính là chiếc đồng hồ tính tiền đã… chỉ đến vài chục ngàn rupiah. Bác tài xế hỏi thẳng: “Đi không? Nếu được thì lên đường. Còn không, xin mời xuống!”. Dĩ nhiên, vì công việc phải chấp nhận thôi, chẳng còn cách nào khác.
Ở chưa đầy 2 ngày, chúng tôi buộc phải xin trả phòng khách sạn vì điều kiện tác nghiệp không ổn. May mắn ở chỗ, anh chàng lái xe mà chúng tôi thuê chuyên chở nhóm phóng viên đi tác nghiệp hàng ngày lại có nhà riêng cho mướn.
Kể ra, cái cảm giác đi thuê nhà ở cũng lạ ra trò. Cánh phóng viên Việt Nam kéo đến ở cả chục người, sáng xì xụp với tô mì gói mang theo, tối thả bộ đến quán ăn Paceh Lele thưởng thức đồ hải sản. Ở giữa khu người Indonesia truyền thống, chúng tôi còn phát hiện thêm một điều thú vị không kém: người Indonesia cũng sống quây quần với gia đình, nhà xây dựng có nhiều nét tương đồng với các vùng quê Việt Nam. Thậm chí, từ cách bài trí trong phòng khách cho đến bếp ăn, nhà tắm, nơi phơi phóng quần áo cũng chẳng có gì khác biệt.
Ở trọ nhưng cứ như ở nhà, hóa ra lại sướng hơn cả ở khách sạn…
LÊ QUANG