Trước đây, sau giờ làm, Lamon Rutten thường trở về nhà làm tròn trách nhiệm người cha là đọc truyện ru ngủ cậu con trai. Giờ đây, khi quay về căn hộ ở Mumbai (Ấn Độ), anh liền ngồi trước máy vi tính và đăng nhập vào tài khoản Skype để trò chuyện với vợ con ở cách đó 7.000km, tận Geneva (Thụy Sĩ).
Hoàn cảnh của anh Rutten, Giám đốc điều hành MCX (công ty giao dịch hàng hóa giao sau lớn nhất Ấn Độ) có thể không lý tưởng, nhưng lại khá phổ biến ở Ấn Độ. Hiện đất nước đông dân thứ 2 thế giới đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều công dân ưu tú nước ngoài.
Những tay “săn đầu người” cho biết, kể từ khi bất ổn kinh tế thế giới leo thang, Ấn Độ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của những người đang tìm kiếm cơ hội và công việc mới, đặc biệt là cư dân từ Mỹ và châu Âu. Theo ước tính, số nhân công ngoại quốc tại Ấn Độ trong năm 2011 đã tăng 15% - 20% so với năm 2010, tương đương 40.000 người đang làm việc trên mọi lĩnh vực.
Giải thích điều này, trong báo cáo mang tên “Nhân tài di động 2020”, Công ty PricewaterhouseCoopers cho rằng: “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi đã chuyển đổi việc tập trung vào nguồn doanh thu mới, đồng thời như mệnh lệnh thúc đẩy thay đổi phân bố nhân khẩu học. Sau một thập kỷ, khoảng 50% nhân công trên thế giới sẽ ra nước ngoài làm việc”.
Sở dĩ Ấn Độ thu hút nhân tài còn do chính phủ nước này đã có những chính sách đột phá từ các ý tưởng của người nhập cư. Bản thân Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã được đào tạo ở 2 trường đại học hàng đầu thế giới là Oxford và Cambridge, nên ông đóng vai trò lớn trong công cuộc cải cách kinh tế vào đầu những năm 1990.
Bên cạnh đó, luật sư Satoko Kikuta cho rằng việc đến Ấn Độ làm việc đã mở ra con đường sáng sau khi cô thực tập tại Mỹ vào năm 2008, thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng. Các công ty luật của Mỹ cũng như các công ty thuộc ngành nghề khác đã cắt giảm việc làm và ngưng tuyển dụng mới.
Tại Ấn Độ thì ngược lại, Kikuta lập tức được tuyển vào mảng chiến lược đầu tư của Công ty luật Khaitan. Sau đó, cô còn có thể phát triển và mở rộng kinh doanh của Khaitan tại quê hương Nhật Bản. Giám đốc Gregory Hughes của Tập đoàn tư vấn toàn cầu KPMG cũng nhận xét tương tự rằng quốc gia Nam Á này là thách thức thú vị. “Nếu muốn phát triển, suy nghĩ chúng ta phải thoát ra khỏi khuôn khổ để tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài”, Hughes chia sẻ.
Tất nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng đến đất nước này vì cơ hội nghề nghiệp hoặc tài chính. Như trường hợp của ông chủ ngân hàng giờ đã trở thành đầu bếp Frederic Fernandez, Ấn Độ đơn giản là vùng đất huyền bí, quyến rũ. Ông đã mở nhà hàng Pháp đầu tiên ở Mumbai, tại vị trí đắc địa gần trạm xe điện Churchgate nhộn nhịp.
Chính nhà hàng này đã trở thành dấu hiệu nhận biết Ấn Độ đang “lột xác”, cho thấy ẩm thực, nghệ thuật, giải trí… của nước này đang nhanh chóng nhuốm “hương vị quốc tế”. Ngoài ra, những dự luật chống nhập cư bắt đầu nhen nhóm ở châu Âu hay tồn tại ở Mỹ trước đó cũng góp phần giúp nhiều nhân tài đến Ấn Độ thực hiện giấc mơ mới.
Rõ ràng, việc chuyển dịch nhân công lao động đã mang lại sức trẻ cho một đất nước có nền văn hóa lâu đời. Thêm vào đó, điều này còn mang những dòng ý tưởng mới trên thế giới chảy vào các quốc gia đang vươn lên thông qua “nhân tài di động”.
Chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài luôn mang lại lợi ích cho cả hai phía: những người xách va ly đi tìm miền đất hứa và những nơi rộng cửa chào đón họ. Tuy nhiên, theo lời của anh Rutten, từng là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ cần phải cải cách cơ sở hạ tầng hơn nữa nếu muốn các nhân tài quyết định chọn nơi đây là nơi an cư lạc nghiệp.
THANH HẢI