Ấn Độ: Khổ vì sinh con gái!

Ấn Độ: Khổ vì sinh con gái!

Những năm gần đây, Ấn Độ được biết là một nền kinh tế mới nổi, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thế giới. Tuy nhiên, quan điểm “trọng nam khinh nữ” vẫn in sâu trong tâm trí người dân, đặt quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới này vào tình trạng mất cân bằng nam nữ nghiêm trọng.

Nhất nam viết hữu...

Ấn Độ: Khổ vì sinh con gái! ảnh 1
“... thập nữ viết vô” vẫn phổ biến ở Ấn

Đứng trước ngôi nhà nhỏ ở Singhpura, người nông dân trung niên không giấu sự chán ngán: “Chỉ có ai trải qua tình cảnh như tôi mới hiểu được bi kịch của tôi”. “Bi kịch” của Sukhpal Singh Tomar chính là... 8 con gái mà đôi khi ông nhầm lẫn cả tên gọi.

Ấn Độ đang hội nhập mạnh mẽ nhưng người dân vẫn “thèm” con trai. Rất nhiều điều đã thay đổi ở Singhpura từ khi con gái đầu tiên của Tomar ra đời 19 năm trước. Singhpura đã có điện và gần đây đã xuất hiện điện thoại di động. Số máy cày phục vụ nông nghiệp tăng gấp 4 lần. Các em gái cũng đến trường học như các em trai...

Khi Ấn Độ hiện đại hơn, những nơi từng lạc hậu như Singhpura đã thành thị trấn. Khắp Ấn Độ đang nổi lên một tầng lớp trung lưu mới, khá giả hơn và không muốn sinh nhiều con. Dù vậy, sự mất cân bằng nam nữ còn trầm trọng hơn. Tiền bạc không làm thay đổi ý nghĩ “phải có con trai” – Madhur Gurhan, bác sĩ sản khoa ở Morena, khẳng định.

Theo tạp chí y học Anh The Lancet, ở Ấn Độ mỗi năm có khoảng 500.000 thai nhi nữ bị phá bỏ. Các xét nghiệm xác định giới tính bị cấm từ năm 1991, nhưng khó có hiệu lực trên thực tế vì các xét nghiệm siêu âm chẳng để lại dấu vết nào.

Ấn Độ đã hiện đại hơn nhưng lý do khiến người Ấn Độ muốn có con trai vẫn “xưa như trái đất”: Con trai không phải dành tiền hồi môn nên không làm “điêu đứng” gia đình; con trai ở nhà sau khi cưới vợ và có thể phụ giúp bố mẹ già; đạo Hindu quy định chỉ con trai mới được châm lửa giàn thiêu trong đám tang cha mẹ...

Nỗ lực vẫn chưa đủ

Trong thập kỷ qua, chính phủ và các cơ quan cứu trợ quốc tế đã chi hàng triệu USD cho các chiến dịch vận động các gia đình chấp nhận con gái. Chính phủ cũng thường xuyên kiểm tra và trừng phạt những cơ sở y tế có xét nghiệm xác định giới tính. Khi quy mô gia đình, đặc biệt gia đình trung lưu, có xu hướng giảm, sức ép phải có con trai càng cao.

Ở các khu vực đô thị hóa, rất dễ tìm đến các cơ sở xét nghiệm và siêu âm, vì thế, số thai nhi nữ bị phá ngày càng nhiều. Năm 1981, khi công nghệ siêu âm còn hiếm, tỷ lệ giới tính ở Ấn Độ là 962 nữ/1.000 nam. Đến năm 1991, tỷ lệ này là 945/1.000 và 10 năm sau, chỉ còn 927/1.000.

Ở một số nơi, đặc biệt miền Bắc Ấn Độ, nơi “cơn thèm” con trai không ngưng từ nhiều thế kỷ qua, tỷ lệ này còn tụt sâu nữa. Chẳng hạn, theo điều tra của tổ chức ActionAid, ở bang Punjab, tỷ lệ nữ chỉ chiếm khoảng 500/1.000; ở Morena, khu vực đang đô thị hóa mạnh của bang Madhya Pradesh, tỷ lệ này là 842/1.000...

Chưa ai định rõ tác động của tình trạng mất cân bằng này trong tương lai như thế nào. Chỉ có điều rõ ràng là quy luật cung cầu không có giá trị trước “truyền thống” nặng nề và sự thiếu hụt cô dâu cũng không giúp con gái trở nên “có giá” hơn. Câu nói khá phổ biến ở Ấn Độ là: “Con gái là con người ta, rồi một ngày nó sẽ đi”.

HÀ VY (theo AP)

Tin cùng chuyên mục