Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế trên tuyến biên giới huyện An Phú; đồng thời có buổi làm việc với tỉnh An Giang về các giải pháp ứng phó.
Tính đến ngày 24-4, tỉnh An Giang ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 là người Việt Nam nhập cảnh từ Campuchia được cách ly ngay từ đầu. Theo UBND tỉnh An Giang, toàn tỉnh có khoảng 100km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, tỉnh đã tổ chức khoảng 200 tổ, chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động trên toàn biên giới; đồng thời kiểm soát chặt các cửa khẩu và đường mòn, kênh rạch thông qua biên giới, nhằm ngăn tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép...
Đến nay, An Giang tổ chức 16 cơ sở điều trị Covid-19, có khả năng thu dung điều trị 180 người bệnh. UBND tỉnh An Giang đang có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường, nhằm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh Covid-19 khi cần thiết. Hiện An Giang tổ chức 50 cơ sở cách ly tập trung, khả năng tiếp nhận hơn 4.400 người. Tỉnh An Giang đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn quy định về điều kiện ban bố lệnh khẩn cấp để địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch, nhất là khu vực biên giới khi tình hình ở Campuchia phức tạp. Ngoài ra, hỗ trợ thêm test xét nghiệm nhanh, nâng cao công suất xét nghiệm trên tuyến biên giới khi cần thiết.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ghi nhận những kiến nghị của UBND tỉnh An Giang, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của An Giang trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh quan tâm các khu cách ly, nhất là điều kiện sinh hoạt, tránh tình trang lây nhiễm chéo tại khu cách ly khi có ca bệnh. An Giang cần dự báo và xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tiếp tục kiểm soát chặt khu vực biên giới, không để người nhập cảnh trái phép. Tập trung phương tiện, trang thiết bị, con người… để phòng chống dịch. Các tỉnh biên giới Tây Nam, đặc biệt là An Giang phải thực hiện nhanh tiêm chủng cho lực lượng chốt chặn trên tuyến biên giới và lực lượng y tế một cách an toàn nhất…