Hôm qua (31-5), Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, dự án Luật Dự trữ quốc gia, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Để ngăn ngừa doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu lợi dụng chính sách để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng và áp dụng ân hạn nộp thuế chỉ khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (275 ngày đối với nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, 15 ngày đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, 30 ngày đối với trường hợp khác). Đến ngày cuối cùng của thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có), tổ chức nhận bảo lãnh phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp thay cho người nộp thuế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa; rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như dự thảo luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn băn khoăn cho rằng, áp dụng ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
N.Quang - A.Thư