Ăn mứt, xí muội, quả sấy khô nhiễm chì-Nguy cơ bị nhiều bệnh lý

Không nhãn mác, nguồn gốc
Ăn mứt, xí muội, quả sấy khô nhiễm chì-Nguy cơ bị nhiều bệnh lý

Không nhãn mác, nguồn gốc

Chợ Bình Tây có nhiều quầy hàng thực phẩm bán buôn, bán lẻ những loại mứt, trái cây sấy khô, xí muội không nguồn gốc, nhãn mác. Một loạt cửa hàng ngay dưới tầng trệt bày bán đủ thứ loại nho, nhãn sấy, táo khô, xí muội … đựng trong các bịch ni lông hoặc trong các bao giấy để bán cho khách theo kilôgram hoặc gram.

Khi được hỏi lấy nguồn hàng ở đâu, chủ sạp 1399 nói: “Người ta bỏ mối thì lấy chứ chẳng biết ở đâu ra, thậm chí xí muội được làm từ quả gì tui cũng không biết”.

Bên cạnh các loại mứt, quả sấy khô bày la liệt cho ruồi bu thì cũng có một số loại được cho vào từng bao ni lông chừng 3kg với các nhãn hiệu chỉ ghi đơn thuần là Songxingliangguoxilie, Waganguoxilie…và bên cạnh đó là hàng loạt chữ Trung Quốc. Chị Ứng Thị Liên, chủ sạp hàng 682, cho biết hầu hết các loại xí muội, mứt, quả sấy khô được lấy từ Hà Nội vào và không có bao bì nhãn mác rõ ràng. Trong đó, theo chị Liên, xí muội “thịt” (loại không hạt) là nhiều nhất nhưng đến cả người buôn bán lâu năm trong các loại thực phẩm nói trên như chị cũng không biết là quả gì.

Mứt, xí muội không rõ nguồn gốc bày bán tại chợ Bình Tây, Q6, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Mứt, xí muội không rõ nguồn gốc bày bán tại chợ Bình Tây, Q6, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Qua tìm hiểu tại các chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, mặt hàng quả sấy khô, mứt, xí muội các loại có bán khá nhiều và chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc mà không có nhãn mác rõ ràng. Theo những người bán hàng thì hàng Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, có vị vừa phải nên được nhiều người thích dùng. Theo một số người bán, nhiều loại ô mai, xí muội Hà Nội hiện nay thực ra là hàng Trung Quốc.

Gây các bệnh mãn tính nguy hiểm

Theo Giáo sư Nguyễn Xích Liên (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM), thực phẩm, cụ thể là các loại trái cây nhiễm chì có thể xuất phát từ việc trồng trọt và chăm bón. Đó là đất trồng cây có thể nhiễm chì hoặc trong phân bón có nhiễm chì. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, chế biến cũng có khả năng nhiễm chì như các thiết bị kim loại trong chế biến bị nhiễm chì và tan ra trong quá trình vận hành gây nhiễm vào thực phẩm. Tuy nhiên, theo Giáo sư Liên thì chì không có tác dụng trong bảo quản thực phẩm.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, ăn phải thực phẩm nhiễm chì lâu dài hoặc thực phẩm có hàm lượng nhiễm chì cao sẽ gây nên ngộ độc cấp tính và các bệnh lý mạn tính. Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, ăn phải thực phẩm nhiễm chì sẽ gây nên hội chứng nhiễm độc chì và nhiều khả năng gây nên các bệnh lý về thận, máu, xương, phổi...

Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng ăn các thực phẩm nhiễm chì có thể gây tổn thương gan, thận, não và dẫn tới tử vong, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Theo đánh giá của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường lao động TPHCM, tỷ lệ mắc bệnh về não do nhiễm độc chì ở trẻ em là 50%, tỷ lệ di chứng thần kinh là 30%. Có những trẻ không có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc chì nhưng sau đó bị di chứng thần kinh. Khi ăn phải các thực phẩm nhiễm chì ngoài giới hạn cho phép, trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, đi không vững, suy thận… Trường hợp mạn tính, các em có dấu hiệu ngây ngô, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, co giật… và nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, trong thực phẩm, hàm lượng chì được cho phép là 2mg/kg, vượt quá ngưỡng này là không đảm bảo cho sức khỏe và bị cấm sử dụng. Bộ Y tế nhận định chì là chất độc, khó thải loại. Vào cơ thể, chì theo máu và gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm chì vượt mức cho phép lâu dài có thể xuất hiện các triệu chứng sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn… Về lâu dài, nhiễm độc chì sẽ gây các bệnh về thận, tổn hại cho não và gây ra bệnh thiếu máu.

Sẽ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm

Trao đổi với SGGP chiều 12-10, BS Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin về thực phẩm xí muội, mứt, quả sấy khô nhiễm chì. Nếu chính xác sẽ đề xuất lãnh đạo sở cho kiểm tra. Trong khi đó, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế TPHCM, cho biết chưa ghi nhận thông tin về thực phẩm nhiễm chì nói trên và sẽ cho kiểm tra lại, đồng thời cho tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm hàm lượng chì.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục