Hôm nay, 9-5, người dân Philippines sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới với nhiệm kỳ 6 năm. Cuộc bầu cử được nhận định có nhiều yếu tố bất ngờ. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do tổ chức nghiên cứu Pulse Asia công bố ngày 3-5 cho thấy ông Rodrigo Duterte, Thị trưởng thành phố Davo, đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ trong cử tri là 33% so với nữ Thượng nghị sĩ Grace Poe chỉ được 21%. Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas - người được Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino ủng hộ - vươn lên đứng thứ 2, với 22% số cử tri ủng hộ.
Theo Diplomat, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà lãnh đạo ở đảo Mindanao (miền Nam), trở thành ứng viên sáng giá nhất cho chức Tổng thống Philippines. Nếu các kết quả thăm dò dư luận chính xác thì ông Rodrigo Duterte (71 tuổi), người tạo nhiều ảnh hưởng nhờ thành công trong việc vãn hồi an ninh trong thành phố lớn ở miền Nam này sẽ có nhiều triển vọng đắc cử. Mặc dù các đề xuất giải tán Quốc hội, thành lập “chính quyền cách mạng” và viết lại Hiến pháp... của ông Rodrigo Duterte vấp phải nhiều chỉ trích và chống đối, nhưng chính những tuyên bố mạnh mẽ, cứng rắn về trấn áp tội phạm của vị luật sư có biệt danh là “kẻ trừng phạt” vì khuynh hướng chống tội phạm cứng rắn này lại giúp ông được lòng tầng lớp trung lưu, nhất là ở Mindanao.
Tăng trưởng kinh tế toàn diện cũng là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử lần này. Chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã có những bước tiến lớn để cải thiện nền kinh tế lớn của Philippines, từng bị coi là “con bệnh của châu Á”. Hiện đảo quốc này đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 6% và đã được nâng cấp xếp hạng tín dụng của mình. Tuy nhiên, trong khi nhiều cử tri mong muốn tân tổng thống sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á cho Philippines, thì ông R.Duterte lại tập trung vào an ninh, pháp luật, trật tự... và tuyên bố ông sẽ ủy thác các vấn đề về chính sách kinh tế cho các chuyên gia cố vấn. Theo các cuộc thăm dò, ông Duterte không nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư do những chính sách kinh tế không rõ ràng của mình.
Ngoài những vấn đề cộm cán như kinh tế, tội phạm, tham nhũng, nghèo đói, thì tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trên biển Đông cũng được cử tri quan tâm. Người lên thay Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino chắc chắn cũng sẽ bị soi kỹ về năng lực xử lý vấn đề chủ quyền biển đảo trước một Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Philippines đã sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc và đã nâng cấp đáng kể trong quan hệ an ninh với hai đồng minh then chốt là Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo tờ The Huffington Post (Mỹ), mặc dù trong các ứng cử viên trên, không có ai hoàn toàn tán thành chính sách biển Đông của Tổng thống Benigno Aquino, nhưng cũng không có ai có chiến lược rõ ràng và từng cho biết họ sẽ theo đuổi vụ kiện đối với Trung Quốc như thế nào. Trên thực tế, chính sách về biển Đông không phải là tiêu chí giúp các ứng viên Tổng thống Philippines kiếm điểm trong cuộc bầu cử này. Và có lẽ, nó cũng sẽ không làm thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Manila trong tương lai gần.
HẠNH CHI