An toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được xã hội quan tâm, nhận thức của người tiêu dùng về việc đảm bảo sức khỏe ngày càng nâng cao. Nhà nước cũng có những quy định chặt chẽ về việc quản lý vấn đề chất lượng thực phẩm, đặt biệt là sản phẩm động vật. Thế nhưng, giữa quy định và thực tế, trách nhiệm của từng địa phương, từng người dân vẫn còn nhiều bất cập…
Trở lại “chiêu cũ”
Những năm trước, việc Chi cục Thú y TPHCM đã phát hiện heo bơm nước từ các tỉnh vận chuyển về TPHCM tiêu thụ, đã gây bức xúc người tiêu dùng. Nhưng ở thời điểm đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm như hiện nay, nên heo bơm nước và gà bơm nước đã xảy ra tràn lan trên thị trường. Khi Chi cục Thú y TPHCM tỏ ra quyết liệt, cộng với sự giúp sức của các địa phương và dư luận báo chí, tình trạng này giảm hẳn.
Sau chuyện bơm nước lại là chuyện sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi heo. Qua phân tích 428 mẫu thức ăn chăn nuôi, có 47 mẫu dương tính, hầu hết là thức ăn cho heo. Lấy ngẫu nhiên 2 mẫu thận heo và 3 mẫu thịt tại một số chợ TPHCM để xét nghiệm, có 1 mẫu tồn dư rất cao Clenbuterol và Salbutamol (thuộc họ Beta Agonists). Theo các chuyên gia, khi ăn sản phẩm chế biến từ những vật nuôi này, nếu bị nhiễm nặng sẽ bộc lộ các triệu chứng như đau cơ, rung cơ, nhịp tim nhanh, đau đầu kéo dài... Beta Agonists được sử dụng nhiều là Clenbuterol và Salbutamol, trong đó, Clenbuterol dùng điều trị rối loạn về hô hấp (trị thông mũi, viêm phế quản…), nhưng trong chăn nuôi, Clenbuterol lại là “thần dược”, giúp heo lớn nhanh (nhất là bộ phận mông, vai nở), ít mỡ, thịt đỏ hơn. Lúc đó, bộ ngành chức năng xử lý khá kiên quyết.
Hiện nay, giá thịt heo tăng mạnh sau dịch bệnh, nên “chiêu cũ” đang trở lại. Thương lái bơm nước vào miệng heo hơi, giết mổ xong đưa về TPHCM tiêu thụ. Thịt heo bị bơm nước dễ bị nhiễm vi sinh, mau bị hư. Heo bơm nước từ lò giết mổ các tỉnh xung quanh TP, nhất là Long An, đổ về TP. Về thuốc tăng trưởng, giờ đây từng hộ, trại chăn nuôi heo tự mua và trộn vào thức ăn cho heo trước khi xuất chuồng khoảng 1 tháng. Tình trạng người nuôi sử dụng cả thuốc có gốc corticoid, dexamethason, với tác dụng phụ gây tích nước. Người tiêu dùng ăn phải loại thịt này nhiều lần có thể gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu… Có thương lái còn sử dụng thuốc an thần chích để heo ngủ li bì khi vận chuyển. Tác hại của việc sử dụng thịt loại này dẫn đến tình trạng lờ đờ, đãng trí, mệt mỏi, run tay, trầm uất… Thương lái mua heo loại này với giá cao hơn do nạc nhiều hơn, thịt bắt mắt hơn.
Chông chênh một mô hình
Ngay sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát đầu tiên năm 2003, TPHCM đã nhanh chóng có những bước đi để chấn chỉnh việc chăn nuôi và giết mổ phù hợp với yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Lúc đó, khi được Chi cục Thú y tư vấn, lãnh đạo TPHCM quy định, không được chăn nuôi trong nội thành, gia cầm và gia súc phải được giết mổ trước khi đến tay người tiêu dùng. TP quy hoạch lại các điểm giết mổ gia súc và tập trung giết mổ gia cầm (vào khu giết mổ ở An Nhơn - Gò Vấp). Chuyển các lò giết mổ và chợ đầu mối thịt ra ngoại thành… Quy định đường vận chuyển gia súc, gia cầm vào TP bằng xe chuyên dùng. Thịt gia súc phải tập trung vào các chợ đầu mối để kiểm soát trước khi vận chuyển về các chợ nhỏ…
Thường xuyên có các đội kiểm tra lưu động từng quận, huyện và TP đi kiểm tra định kỳ và đột xuất. Những quy định này gặp sự phản ứng gay gắt những người chăn nuôi, thương lái, giới kinh doanh và người tiêu dùng (thích sử dụng thịt tươi, nóng thay vì đông lạnh). Nhưng với dịch cúm gia cầm tái đi tái lại nhiều năm, cả nước hao tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc ngăn ngừa nên mọi việc có thể nói là cơ bản đạt yêu cầu. TPHCM trở thành mô hình cả nước học tập. Các tổ chức nước ngoài công nhận cách làm của TPHCM là đúng hướng.
Nhưng rồi, 8 năm sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát, sau đó có thêm dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng… làm cho người dân “thích nghi” dần với dịch bệnh nên không còn quá lo sợ và cảnh giác như trước. Các địa phương, ban ngành, đoàn thể cũng tỏ ra đuối sức sau bao năm ròng rã đối phó. Gần như mọi việc giờ đây đều giao lại cho ngành thú y thay vì sử dụng sức mạnh tổng hợp, nhất là địa phương để cùng quản lý. Chi cục Thú y TPHCM cho biết, tình trạng kinh doanh gia cầm sống, thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng rộ trở lại nhiều nơi. Hầu như chợ nào cũng có nơi bán gia cầm, nhất là gà sống. Khi đoàn kiểm tra đi qua, người bán xách gà chạy vào hẻm, sau đó trở lại như cũ. Tình trạng nuôi gia cầm, nhất là gà đá gần như công khai tại nội thành…
Thực trạng trên đòi hỏi đơn vị quản lý hành chính cần có những biện pháp duy trì mô hình đã gây dựng được, tăng cường quản lý nhằm đảm bảo chất lượng thịt tươi sống. Cách làm đúng, hướng đi đúng cần được áp dụng và phát huy mạnh mẽ để người dân yên tâm với thực phẩm an toàn.
CÔNG PHIÊN