
Japfa Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống sản xuất chăn nuôi khép kín với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk. Chuỗi sản xuất khép kín này bao gồm trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng gia cầm hiện đại và hệ thống chăn nuôi gia công quy mô lớn. Đặc biệt, nhà máy ấp trứng gia cầm có công suất thiết kế 40 triệu con/năm.
Nhà máy ấp trứng đầu tiên ứng dụng công nghệ cắt mỏ gà tự động
Ông Nguyễn Văn Trạng, Trưởng phòng sản xuất nhà máy ấp miền Nam cho biết, đây là nhà máy ấp trứng gia cầm thứ 4 của công ty, được xây dựng trên diện tích 2,2ha tại xã Pơng D’Rang, tỉnh Đắk Lắk.

Nhà máy cung ứng lứa gà con đầu tiên vào năm 2022, từ đó đến nay, đây là nơi cung cấp gà giống chất lượng cao cho thị trường miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các khu vực lân cận.
Bên trong nhà máy được trang bị dàn máy ấp trứng tối tân có công suất lớn, điều khiển hoàn toàn tự động qua bảng điều khiển. Ông Trạng cho biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng, với 12 máy ấp nhập từ Bỉ. Mỗi máy ấp có công suất ấp nở 129.024 trứng. Máy kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, lưu thông không khí và an toàn sinh học hoàn toàn tự động, qua đó giúp nâng cao tỉ lệ nở và đảm bảo con giống khỏe mạnh, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của Global GAP.
Việc lắp đặt máy ấp đơn kỳ tạo thuận lợi cho khâu sát trùng tiêu độc, đảm bảo an toàn sinh học ở nhà máy do có thể vệ sinh dễ dàng, đồng thời công suất ấp trứng cũng cao hơn 12% so với máy đa kỳ.
Trước khi đưa vào máy ấp, những quả trứng được lựa chọn kỹ lưỡng và xử lý sát khuẩn nghiêm ngặt. Trứng được ấp 19 ngày rồi chuyển đến máy tiêm vaccine bằng công nghệ InOvo hiện đại nhất hiện nay (tiêm vaccine cho phôi gà từ trong trứng). Công nghệ InOvo có công suất 70.000 trứng/giờ, giúp loại bỏ trứng không phôi và trứng hỏng, đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch sớm, bảo đảm sự phát triển đồng đều và khỏe mạnh của gà con.

Đặc biệt, nhà máy ấp trứng gia cầm Đắk Lắk là nơi đầu tiên trên cả nước áp dụng công nghệ cắt mỏ gà bằng tia hồng ngoại, giúp giảm stress cho gà con và tối ưu nhân công tại trang trại. “Trước đây, người chăn nuôi sử dụng dao, kéo, nhiệt có thể gây chảy máu, đau đớn cho gà. Còn với công nghệ cắt mỏ bằng tia hồng ngoại tại nhà máy của Japfa, nhờ có độ chính xác rất cao, chỉ nháy mắt đã cắt xong nên gà con không cảm thấy đau đớn, góp phần bảo đảm phúc lợi cho động vật”, ông Trạng cho hay.
Gà giống sau khi được chích đầy đủ vaccine sẽ được vận chuyển đến các trang trại liên kết của Japfa trong khu vực Tây Nguyên. Trung bình mỗi năm, nhà máy đang cung ứng hơn 20 triệu gà giống cho các trang trại trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Hiện, 2 sản phẩm chính của nhà máy là gà Japfa Mía, có đặc điểm lông vàng, chân vàng và giống Japfa Chọi, lông đen, nâu hoặc vàng – đây là những giống gà đang được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay nhờ chất lượng thơm ngon, ngọt thịt.
Trứng gà đưa vào nhà máy ấp nở được nhập từ trang trại gà bố mẹ tại xã Ea Tul (tỉnh Đắk Lắk) - một trong những cơ sở chăn nuôi gà giống chủ lực của Japfa Việt Nam tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trang trại có quy mô chăn nuôi 100.000 gà bố mẹ, được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ và quản lý đàn bằng phần mềm chuyên dụng.
Japfa đặt mục tiêu tăng công suất đàn gà lên gấp 3 lần
Ông Clemens Tan, Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam cho biết, Japfa đầu tư vào Việt Nam đã lâu, nhưng vài năm gần đây mới đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk. “Chúng tôi chọn Đắk Lắk bởi quỹ đất còn rộng lớn, cho phép lựa chọn vị trí tốt để xây dựng trang trại, giao thông ngày càng phát triển, từ đây di chuyển tới các khu vực khác như miền Trung, Đông Nam bộ, TPHCM đều rất thuận lợi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương rất khuyến khích và chào đón Japfa đến đầu tư. Hiện Japfa có các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Gia Lai, và Đắk Lắk nằm giữa 3 nhà máy nên có thể dễ dàng vận chuyển thức ăn đến các trang trại”, ông Clemens Tan nói.
Với thị trường còn nhiều dư địa phát triển, ông Clemens Tan cho biết, Japfa Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh chuỗi chăn nuôi khép kín, tương lai sẽ tăng gấp ba quy mô đàn gà hiện tại.
Để thực hiện chiến lược này, Japfa đang hợp tác với các hộ chăn nuôi để mở rộng chuỗi sản xuất chăn nuôi liên kết. “Japfa coi các đối tác chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động của mình, đặc biệt chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi gia công. Mô hình này được thiết kế nhằm mang lại lợi ích hài hòa cho cả công ty và người chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững, đem lại an sinh xã hội tại địa phương nhờ quy trình chăn nuôi hiện đại theo chuỗi giá trị khép kín”, ông Clemens Tan khẳng định.