Ấn tượng với các điểm nhấn kiến trúc

Hấp dẫn, an toàn, thuận tiện tiếp cận và đa dạng
Ấn tượng với các điểm nhấn kiến trúc

Quảng trường Tượng đài Bác Hồ và đường đi bộ Nguyễn Huệ

Quảng trường tượng đài Bác Hồ và đường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những công trình kiến trúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM. Với nhiệm vụ được giao: thiết kế không gian kiến trúc, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh công trình đặc biệt này.

Hấp dẫn, an toàn, thuận tiện tiếp cận và đa dạng

* Phóng viên: Thưa ông, ý tưởng thiết kế chủ đạo của quảng trường Tượng đài Bác Hồ và đường đi bộ Nguyễn Huệ là gì?

* Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯNG: Tiêu chí thiết kế chung và ý tưởng thiết kế chủ đạo của công trình được hình thành trên những định hướng phát triển TPHCM thành một đô thị sống tốt (livable city). Theo đó, có 4 tiêu chí chung là hấp dẫn, an toàn, thuận tiện tiếp cận và đa dạng. Tuy nhiên, do đây là công trình nâng cấp cải tạo nằm trong không gian đô thị hiện hữu nên thiết kế sẽ phải tôn trọng hiện trạng không gian kiến trúc, cảnh quan, đồng thời cũng phải tuân thủ định hướng phát triển không gian của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM (quy mô 930ha) đã được UBND TPHCM phê duyệt, các tiêu chuẩn và quy phạm xây dựng, các thông số kỹ thuật yêu cầu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng cảnh quan, cây xanh... nhằm tạo nên một khung cảnh kiến trúc hài hòa, mỹ quan, kết hợp tốt với các hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị, thương mại phát triển tại đây.

Phương án thiết kế đã được cân nhắc để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của các hộ dân cũng như doanh nghiệp song vẫn giữ được và khuyến khích các sinh hoạt sôi nổi, đa dạng, hấp dẫn của người dân trong không gian của quảng trường và đường đi bộ. Để tránh sau này phải đào xới vỉa hè lòng đường để sửa chữa cải tạo, các hệ thống hạ tầng đô thị được bố trí trong hệ thống hào kỹ thuật. Bên cạnh đó, khi thiết kế, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc kết nối tuyến đường đi bộ với hệ thống giao thông công cộng và cá nhân xung quanh nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khi tiếp cận khu vực quảng trường và đường đi bộ. Đường Nguyễn Huệ cũng sẽ được nâng cấp để trở thành tuyến phố đi bộ đầu tiên của thành phố với đầy đủ tiện ích như trồng cây xanh, tạo bóng mát phục vụ cũng như khuyến khích thói quen đi bộ, tham gia các hoạt động công cộng của người dân cả trong ngày thường và các dịp lễ hội.

Phối cảnh đường đi bộ Nguyễn Huệ

* Trong không gian kiến trúc rộng lớn, kéo dài từ trụ sở UBND TPHCM đến đường Tôn Đức Thắng, đâu là các điểm nhấn kiến trúc của công trình?

* Có 3 điểm nhấn kiến trúc chính trong suốt tuyến đường. Vị trí thứ nhất là tại quảng trường nghệ thuật Tượng đài Bác. Tượng đài Bác là biểu tượng thiêng liêng thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và xây dựng tương lai đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam như ý nguyện của Người lúc sinh thời. Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ và quảng trường, đặt tại vị trí trang trọng nhất khu trung tâm thành phố, vừa có tính tôn nghiêm nhưng cũng là nơi dễ gần gũi nhất với nhân dân thành phố và bạn bè quốc tế, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, quyết định một cách cẩn trọng, có sự đồng thuận cao của nhân dân thành phố. Vị trí thứ hai là quảng trường nghệ thuật tại vị trí cột đồng hồ (cũ). Điểm nhấn thứ ba là khu vườn hoa đặt ở cuối đường Nguyễn Huệ.

Tại mỗi điểm nhấn đều có thiết kế ấn tượng với đầy đủ các tiện ích đường phố nhằm đáp ứng nhu cầu thư giãn, dạo chơi… của người đi bộ, có đài phun nước (kết hợp âm nhạc) mang tính tương tác cao với người thưởng ngoạn và phù hợp sở thích nhiều lứa tuổi. Phương án cũng rất quan tâm để có thiết kế phù hợp cho người khuyết tật thuận tiện đi lại và giao lưu. Các hạng mục thiết kế được phân biệt bằng sự thay đổi màu sắc, chất liệu, độ nhám bề mặt của các loại đá ốp trên nền quảng trường - đường đi bộ và bồn hoa di động nhằm tạo cảnh quan đẹp và sinh động. Các không gian quảng trường - vườn hoa - đài phun nước này sẽ là nơi thu hút người dân tới giải trí, sinh hoạt và giao tiếp xã hội, để dần tạo thành thói quen sinh hoạt đô thị một cách văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Thiết kế hài hòa

Xung quanh quảng trường và đường đi bộ hầu hết là những kiến trúc có từ thời Pháp (trừ đoạn gần sông Sài Gòn), yếu tố hài hòa với cảnh quan xung quanh của con đường và quảng trường là gì?

Cần xem không gian trục đường Nguyễn Huệ là một thực thể sống, tức là phải tạo điều kiện cho không gian này biến đổi, sinh sôi và liên tục phát triển không ngừng nghỉ theo tiến trình phát triển của TPHCM. Trong lịch sử của đường Nguyễn Huệ, chức năng và không gian của con đường này đã được biến đổi từ con kênh phục vụ bến bãi buôn bán hàng hóa thời nhà Nguyễn, sau đó được san lấp để trở thành trục đại lộ hành chính-thương mại-văn hóa thời Pháp thuộc và nay là trục đi bộ cảnh quan kết hợp các hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị, thương mại một cách hài hòa của TPHCM. Do vậy, các công trình kiến trúc cũ được phân loại để ứng xử cho phù hợp theo 3 cấp độ: cấp độ 1 là các công trình có giá trị lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa hết sức quan trọng, phải bảo tồn nguyên trạng để duy trì được hồn đô thị và các giá trị bền vững của đô thị như công trình trụ sở UBND TPHCM; cấp độ 2 là các công trình cần bảo tồn một phần nhưng có thể biến đổi chức năng và chỉnh trang kiến trúc để phù hợp nhu cầu, nhịp sống hiện đại của thành phố, nhất là các công trình đã từng được thay sửa mặt tiền trong quá khứ như Thương xá TAX và cấp độ 3 là các công trình có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Trong phương án thiết kế, sự hài hòa đã được xem xét theo từng góc nhìn. Đường Nguyễn Huệ được thiết kế theo góc nhìn chính dọc trục đường Nguyễn Huệ từ Bến Bạch Đằng tới UBND TPHCM và các góc nhìn phụ sang hai bên. Ở góc nhìn chính, hình khối của khối đế các công trình cao tầng kết hợp với các công trình thấp tầng hiện hữu tạo thành các đường song song tụ lại ở điểm nhấn chính cuối trục đường là trụ sở UBND TPHCM theo đúng nguyên tắc tổ chức không gian quảng trường. Ở góc nhìn phụ, tập trung vào các khối đế công trình, vỉa hè và các sinh hoạt đang diễn ra trên đường phố, khoảng lùi của góc nhìn từ người xem đến kiến trúc thu lại ngắn hơn sẽ tạo điều kiện cho người đi bộ thuận tiện quan sát các hoạt động, sinh hoạt hấp dẫn ở các công trình hai bên đường. Khoảng cách gần này tạo điều kiện cho người đi bộ giao tiếp xã hội, tạo cảm giác giao tiếp với không gian nhỏ cùng không gian lớn, tương tác với các không gian riêng, không gian chung và không gian nửa riêng nửa chung.

Như vậy, thiết kế của quảng trường và đường đi bộ đã đáp ứng được yêu cầu kết hợp giữ cái mới với cái đã có sẵn, hài hòa giữa hiện đại và quá khứ, vừa trẻ trung vừa cổ kính, thể hiện được sức sống của thành phố và vẫn đảm bảo sự tôn trọng hình ảnh truyền thống trong con mắt người bộ hành.

Chăm chút từng chi tiết

* Vật liệu lát đường chủ yếu là đá? Như vậy có khả năng trơn trượt khi mưa không? Nếu có, giải pháp an toàn cho người đi bộ là gì?

* Đá lót đường được thiết kế tạo mặt nhám chống trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Về độ nhám, các bề mặt đá này ma sát tốt hơn gạch lót vỉa hè trước đây. Đồng thời, do đá cứng và có rãnh thoát nước mưa nhanh nên sẽ an toàn và thẩm mỹ hơn so với gạch lót. Màu sắc đá lót cũng được thiết kế có thay đổi để người đi đường dễ nhận biết, đồng thời do thiết kế không có sự thay đổi đột ngột cao độ lót đá, không giật cấp chênh lệch giữa lòng đường và vỉa hè nên mang tính an toàn cao hơn. Thiết kế lót đá cũng chú ý có lối đi với khía dành riêng cho người khuyết tật dễ nhận biết.

* Tuyến đường Nguyễn Huệ, từ trước UBND TPHCM đến sông Sài Gòn khá dài..., như vậy, ở từng đoạn đường phù hợp có bố trí ghế đá hoặc chỗ ngồi nghỉ hợp lý cho người đi đường? Ở TPHCM thường nắng gay gắt vào mùa khô và mưa bất chợt vào mùa mưa, suốt dọc tuyến đường có chỗ trú mưa, trú nắng cho người đi bộ?

* Toàn tuyến được bố trí ghế đá và ghế gỗ kết hợp với khung ghế bằng gang cho người ngồi nghỉ chân (trải đều trên cả khu vực quảng trường và khu vực vỉa hè hai bên đường) với bán kính phục vụ khoảng 8 - 10m. Thiết kế ghế hoàn toàn phù hợp cho việc nghỉ ngơi của người đi đường, đặc biệt là người già và trẻ em. Hàng cây xanh hai bên đường còn được bổ sung thêm giàn hoa giấy kết hợp với khung sắt di động tạo tính thẩm mỹ cho cảnh quan xung quanh, vừa bổ sung thêm bóng mát cho người đi bộ, giúp cho người đi bộ thư giãn.

Có 2 trạm vệ sinh ngầm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân đi bộ, đồng thời cũng có thể sử dụng để tránh mưa khi cần thiết. Ngoài ra, công trình kiến trúc hai bên đường cũng được yêu cầu có khoảng lùi, hành lang có mái che để làm chỗ trú mưa cho người đi bộ khi cần.

* Cảm ơn ông!

Nguyễn Khoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục