Thế khó
Vòng đàm phán kết thúc không như mong đợi tại Brussels (Bỉ) khiến Thủ tướng Anh Theresa May phải đối mặt với sức ép rất lớn. Chính phủ Anh buộc phải đạt được một thỏa thuận với EU về các điều khoản rời khối chủ chốt trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Brussels giữa tháng 12 tới đây. Nếu các nhà lãnh đạo còn lại của EU nhất trí rằng đàm phán Brexit đã đạt đủ tiến triển cần thiết trong các vấn đề nêu trên, họ sẽ “bật đèn xanh” cho việc chuyển sang đàm phán vấn đề thương mại và thời gian chuyển tiếp của Brexit sau thời điểm tháng 3-2019.
Theo BBC, khúc mắc trong cuộc đàm phán thất bại giữa Anh và EU nằm ở đường biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland thuộc Anh sau khi Brexit. Kết quả này có thể làm đình trệ giai đoạn đàm phán tiếp theo giữa London và Brussels. Với vị trí đặc biệt của Bắc Ireland, chính phủ Cộng hòa Ireland muốn giữ sự hội nhập của khu vực này với thị trường chung EU ngay cả sau Brexit. Bà May về cơ bản đã đồng ý với đề xuất này nhưng vấp phải sự phản đối trong liên minh cầm quyền của mình. Đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP), đảng phái chính trị thân Anh lớn nhất tại Bắc Ireland, tuyên bố đảng này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mà trong đó Bắc Ireland bị đối xử khác biệt so với các phần còn lại của Vương quốc Anh. DUP và các nghị sĩ chống đối thỏa thuận này cáo buộc CH Ireland đã can thiệp vào chính trị nội bộ của vùng Bắc Ireland. Lãnh đạo DUP, bà Arlene Foster, tuyên bố với Thủ tướng May rằng bà không thể ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc để vùng Bắc Ireland tiếp tục theo các luật của EU.
Sự phản đối của DUP đặt Thủ tướng May vào thế khó bởi đảng này, với 10 nghị sĩ tại Quốc hội Anh, sẽ đóng vai trò không nhỏ để các kế hoạch của chính phủ được thông qua. DUP đã đe dọa quay lưng với Thủ tướng May nếu bà nhượng bộ trong vấn đề biên giới CH Ireland sau Brexit. Theo lời một quan chức từ Văn phòng Thủ tướng Anh, bà May có khả năng sẽ quay lại làm việc với EU sớm nhất là trong ngày 6-12.
Làn sóng đòi quy chế đặc biệt
Khúc mắc nằm ở câu chuyện Bắc Ireland đang làm dấy lên làn sóng đòi quy chế đặc biệt hậu Brexit ở nhiều nơi khác trong Vương quốc Anh từng bỏ phiếu ủng hộ “ở lại” EU. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà đã thúc đẩy các đề xuất chi tiết để Scotland tiếp tục ở trong thị trường chung châu Âu. Thủ hiến xứ Wales Carwyn Jones cũng kêu gọi để xứ này được tiếp tục tham gia thị trường chung châu Âu nếu các vùng khác của Vương quốc Anh được hưởng quy chế này. Thị trưởng London Sadiq Khan đề xuất London cũng nên được hưởng quy chế đặc biệt hậu Brexit, cho phép thủ phủ tài chính này của Anh vẫn nằm trong thị trường chung và liên minh hải quan của EU. Theo ông, người dân London muốn ở lại EU và việc được ở lại EU có thể bảo vệ cho 10.000 công việc.
Hiện có những thông tin cho rằng EU đang chuẩn bị cho khả năng đổ vỡ của đàm phán Brexit trong lúc Chính phủ nước Anh đang bị giằng xé giữa việc buộc phải chấp nhận nhượng bộ trong đàm phán Brexit để đạt được tiến bộ, trong khi vẫn phải tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ rời khỏi châu Âu mà không phải có thêm nhượng bộ nào. Về phía Anh, trong thời gian qua, tất cả các cơ quan của Anh được cho là đã chuẩn bị kế hoạch nhằm có thể đối phó linh hoạt với tình huống đạt được thỏa thuận cũng như với cả kịch bản London sẽ rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.