Ảnh hưởng từ khủng hoảng châu Âu

Châu Á lâu nay vẫn được coi là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, thậm chí còn được xem là “nơi trú ẩn” vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu ngày càng xấu đi và đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn yếu. Tuy nhiên, châu Á giờ đây cũng bắt đầu cảm thấy “sức nóng” của cuộc khủng hoảng này do các thị trường nước ngoài sa sút.

Châu Á lâu nay vẫn được coi là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, thậm chí còn được xem là “nơi trú ẩn” vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu ngày càng xấu đi và đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn yếu. Tuy nhiên, châu Á giờ đây cũng bắt đầu cảm thấy “sức nóng” của cuộc khủng hoảng này do các thị trường nước ngoài sa sút.
  
Hoạt động chế tạo yếu đi ở Trung Quốc cùng với số liệu tăng trưởng kém lạc quan ở Ấn Độ là những “chứng cứ” mới nhất cho thấy kinh tế châu Á dễ bị tổn thương trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ chưa có hồi kết ở châu Âu. Liao Qun, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng quốc tế Citic trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) cho hay tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc trầm trọng hơn dự báo. Số đơn đặt hàng xuất khẩu tiếp tục giảm liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Theo số liệu chính thức vừa được Chính phủ Trung Quốc công bố, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo ở nước này tăng trưởng chậm lại trong tháng 5-2012. Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 3 lần kể từ tháng 12-2011 khiến nhịp độ tăng trưởng của nước này trong quý 1-2012 xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Trong khi đó, các thống kê vừa công bố cho thấy kinh tế Ấn Độ trong quý 1-2012 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 9 năm qua, chỉ là 5,3%, thấp hơn nhiều so với dự báo  6,1% của các nhà phân tích. Các chỉ số kinh tế khác của Ấn Độ cũng đem lại những mối quan ngại: đồng rupee đứng ở mức thấp lịch sử so với USD, lạm phát hàng năm vẫn ở mức cao khoảng 7%, trong khi thâm hụt ngân sách lớn. Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng HSBC, Leif Eskesen, ví von kinh tế Ấn Độ giống như “chú voi đang thở hổn hển”.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 5-2012. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong cùng thời gian này giảm 16,5% và sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 16,4%. Chỉ số PMI ở nước giàu tài nguyên Australia giảm xuống dưới ngưỡng 50 (ngưỡng tăng trưởng). Các thị trường chứng khoán châu Á cũng tiếp tục lao dốc vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn là tâm điểm của mọi sự chú ý. Các công ty hiện đang tạm ngưng hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại châu Á. Nhận định về tình trạng trên, Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới Pascal Lamy cho rằng châu Á ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới và sự miễn nhiễm tương đối trước đây không tồn tại mãi. Châu Á sẽ bị ảnh hưởng hơn trước rất nhiều.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các tín hiệu không vui đến châu Á đã phần nào làm tiêu tan hy vọng các nền kinh tế đang nổi sẽ “lái con tàu” kinh tế toàn cầu tăng trưởng lành mạnh trở lại. Giờ đây, đã có rất nhiều lời kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển phải có những biện pháp kích thích kinh tế để giúp nền kinh tế nước nhà thoát khỏi “cú hạ cánh nhọc nhằn” và làm xấu thêm triển vọng kinh tế toàn cầu.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục