Anh lại trở về với ngọn bút tiền phương

Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông làm báo từ năm 1960, khi bước vào độ tuổi 20, tại Báo Kiến An và Báo Hải Phòng. Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Cao Kim cùng bộ đội hành quân dọc đường Trường Sơn vào Nam bộ làm phóng viên Báo Giải Phóng, hoạt động chủ yếu ở chiến trường Đông Nam bộ, mặt trận Sài Gòn - Gia Định.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Cao Kim về thành phố cảng quê hương làm Thư ký tòa soạn, Phó tổng biên tập, Tổng biên tập Báo Hải Phòng; Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Cao Kim (ảnh) với biết bao câu chuyện như huyền thoại...  
Anh lại trở về với ngọn bút tiền phương ảnh 1
Căn nhà xinh xắn của Cao Kim trong con ngõ hẹp phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền. Ông nuôi chim cu hót gáy suốt ngày. Tôi còn nhớ mấy năm trước, vào dịp đầu mùa đông se lạnh, tôi và cựu Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan Bandhit Rajavadhanin đến thăm nhà Cao Kim. Vừa bước vào nhà, chim cu cất lời, giọng trong vắt.
Ông Bandhit Rajavadhanin nhận xét: “Kim Toàn thế mà tuyệt, yêu và quý thiên nhiên đến vậy, viết báo sẽ càng hay!”… Sau này, mỗi lần gặp đồng nghiệp Việt Nam, nhà báo Bandhit Rajavadhanin lại hỏi: “Kim Toàn khỏe không?”.
Ông bạn nhà báo Thái  Lan lớn hơn Cao Kim 2 tuổi vẫn nhắc mãi món quà đặc biệt “Con heo sữa quay giòn” kèm giấy bảo đảm chất lượng sạch trăm phần trăm, do cơ quan quản lý Việt Nam cấp, để mang về Bangkok đãi bạn!
Khi vợ Cao Kim sức khỏe giảm sút, ông kiêm luôn bác sĩ… nhà, bấm huyệt, xoa bóp, chăm bà và rượt đuổi thời gian tiếp tục sự nghiệp viết báo, viết sách. Bên ly cà phê phố Cầu Đất, Cao Kim cởi mở với đồng nghiệp: “Tuổi cao dần, phải gắng viết thôi. Viết được cái gì hay cái đó. Mai mốt trí nhớ kém dần, có gì hay chẳng còn nhớ, chẳng kịp ghi lại”. 
Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi TPHCM xuất bản đều sách hồi ký, tự truyện của ông. Dấu  ấn thời làm Báo Giải Phóng, Quân giải phóng, TTX giải phóng… mang đậm dấu ấn trong từng tập sách. Dù xa cách, mỗi lần đồng nghiệp điện thoại, ông lại  cần mẫn viết; bài và ảnh ký tên Cao Kim được tuyển chọn đăng trong nhiều tập sách. Cao Kim sống nghĩa tình, hết lòng vì bè bạn, chẳng bao giờ để bụng ai chuyện gì. 
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (năm 2018),  Cao Kim xuất bản 2 tập sách gần 500 trang: Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc và Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017 - 2018). Trong Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc, trang 84, nhà báo Cao Kim chụp giấy báo tử của anh. Trong đó ghi: Ban Quân y Phân khu 3 viết thơ này đến C107 R biết: đồng chí Cao Kim trong chiến đấu chống càn tại xã Bình Chánh, huyện Tân Trụ (Phân khu 3) bị thương sọ não, hy sinh ngày 8-3-1968 tại trạm xá của Phân khu 3, đã được chôn cất chu đáo tại xã Long Định, huyện Cần Đước (ấp Nhứt). Vậy chúng tôi báo đến các đồng biết để báo về gia đình đồng chí Cao Kim (có kèm theo giấy  sinh hoạt Đảng tìm thấy trong túi đồng chí), vì từ khi bị thương đến lúc hy sinh đồng chí mê sảng, không biết.
Giấy báo tử về việc nhà báo Cao Kim hy sinh ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn - Chợ Lớn đề ngày 10-3-1968, được giao liên chuyển về Báo Giải Phóng. Báo Giải Phóng tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Cao Kim trang trọng, có tấm vải kẻ chữ - viền giải tang đen: Vô cùng thương tiếc nhà báo Cao Kim trang nghiêm, khói hương nghi ngút. Đồng đội, đồng nghiệp khóc thương tiễn biệt anh. Mộ chí “Liệt sĩ” Cao Kim được đặt tại xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ở quê nhà TP Hải Phòng, tin tức lan truyền Cao Kim - Kim Toàn đã hy sinh, nhưng gia đình và đồng nghiệp Báo Hải Phòng chưa ai tin đó là sự thật, vẫn hy vọng, chờ đợi một  ngày nào đó nhà báo Cao Kim sẽ trở về!
Chuyện là thế này, cuối năm 1967, từ Báo Giải Phóng, Cao Kim được giao nhiệm vụ “đột nhập” Sài Gòn - Gia Định (cùng nhà văn, nhà báo Thép Mới) viết bài về cuộc đấu tranh vùng đô thị và chuẩn bị điều kiện xuất bản tờ báo cách mạng trong lòng địch. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, địch phản công, đàn áp phong trào cách mạng quyết liệt. Cao Kim được điều động về đội võ trang tuyên truyền T4, do anh Hai Ca chỉ huy.
Tháng 3-1968, trong một trận càn lớn, toàn đội chia thành các mũi tiến công, dũng cảm bám trụ địa bàn sình lấy chống càn. Đội trưởng Hai Ca hy sinh trong trận càn ngày 8-3-1968. Thời điểm này, trong túi áo anh có giấy chuyển sinh hoạt Đảng mang tên Cao Kim do chính nhà báo Cao Kim nộp cho đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ hôm được điều chuyển về đội, mà Hai Ca chưa kịp lưu vào hồ sơ cất giữ. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Cao Kim trở về cơ quan cũ ở quê nhà, làm Tổng biên tập Báo Hải Phòng. Anh đã đến thị xã Tân An cùng đồng nghiệp Báo Long An tìm gặp bác sĩ Ba Lai - Phạm Tương Lai rồi cùng các đồng nghiệp ra mộ chí để… viếng chính mình! 
Từ phố Cầu Đất chúng tôi  ghé lại Báo Hải Phòng, các thế hệ làm báo thành phố cảng hội ngộ vui như tết, kể chuyện đọc sách Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc của nhiều đồng nghiệp, thế hệ cha, anh và của chính sếp mình, “liệt sĩ” Cao Kim. Mọi người nhắc đến nữ nhà báo Nguyễn Thụy Nga, cựu Ủy viên Ban biên tập Báo Hải Phòng, nhà báo nữ xinh đẹp dịu dàng quê Nam bộ. Bà là phu nhân của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, được mọi người trong tòa soạn báo rất quý mến.
Cao Kim kể rành rọt: Năm 1964, nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những người là con em của miền Nam tình nguyện trở về quê hương góp phần kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một trong những người con của miền Nam đang công tác tại Báo Hải Phòng trở lại quê hương bí mật đầu tiên trên đoàn tàu không số có nữ nhà báo Nguyễn Thụy Nga. Chuyến đi đó, cuộc hành trình của con tàu không thuận buồm xuôi gió như dự định, tàu luôn bị địch theo dõi đe dọa phải  tạm lánh vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) neo đậu ít ngày. Và rồi con tàu lại nhổ neo rời Hải Nam hướng vô Nam. Hải quân đối phương tiếp tục nhòm ngó, áp sát, dõi tìm, đe dọa. Con tàu chở theo súng đạn, lương thực, đóng vai tàu cá Philippines vượt sóng to gió lớn, sự săn đuổi của địch, dũng cảm, khôn khéo, sau hơn 2 tháng lênh đênh giữa đại dương, cập bến Rạch Gốc, Cà Mau an toàn. Chị Nguyễn Thụy Nga lên bờ, từ đó mang bí danh Bảy Vân, hoạt động trong bao gian khó, hiểm nguy, đến ngày đất nước được giải phóng. Sau năm 1975, chị Bảy Vân là Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho đến ngày nghỉ hưu. Bảy Vân và Cao Kim vui mừng khôn xiết khi gặp lại nhau tại tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, giữa đất đô thành sạch bóng quân thù.
Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc có nhiều những câu chuyện huyền thoại, thật mà như đùa, hơi thở cuộc sống chiến trường thật sống động. Với Con chim nhỏ giữa sào huyệt địch, Cao Kim cũng là người trong cuộc, am hiểu hoạt động của người nữ anh hùng giao liên hoạt động bí mật giữa nội ô - Minh Nguyệt (Sáu Thắm). Minh Nguyệt tung hoành ngang dọc khắp các ngõ phố, đường đi lối lại thuộc như lòng bàn tay, mưu trí vượt qua con mắt theo dõi của kẻ thù. Những lần vận chuyển tài liệu, mệnh lệnh chiến đấu, dẫn dắt cán bộ chỉ huy, nằm vùng, bộ đội ra vào nội đô; vận chuyển báo Giải Phóng từ căn cứ vào vùng địch - hang ổ quân thù. Nhiều tình huống bất ngờ, những cuộc đấu trí thông minh, gan dạ của Minh Nguyệt được Cao Kim miêu tả, dẫn dắt người đọc hết sự hồi hộp này đến sự hồi hộp khác. 
Từ mặt trận trở về, trong niềm hạnh phúc lớn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, Cao Kim “lại trở về với ngọn bút tiền phương”, như lời thơ của một đồng nghiệp. Mái ấm gia đình của Cao Kim hôm nay tạo sức mạnh, niềm tin để ông tiếp tục cống hiến khi đã sắp bước vào tuổi bát thập.

Tin cùng chuyên mục