Thay đổi địa danh - Tên thì có khác, đất thì cùng liên

1. Đối với mọi người, địa danh không chỉ là tên gọi thuộc về phạm vi hành chính, quy định của nhà nước, mà còn gắn liền với ký ức. Nơi ấy, con người ta luôn dành nhiều thiện cảm, đơn giản chỉ vì là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình đã lớn lên và trưởng thành; ngay từ lúc biết ăn nói, địa danh ấy đã gắn chặt từ lúc “tự giới thiệu” về quê quán đến khi ghi trên giấy tờ…

Vậy mà, có lúc địa danh ấy lại thay đổi, sắp xếp, sáp nhập ranh giới của từng miền, chúng ta tán thành là do tự ý thức về công cuộc phát triển đồng bộ trong cả nước, dù vậy, trong thâm tâm vẫn có gì đó nghĩ ngợi nọ kia.

Vậy, ta nghĩ gì về thay đổi này?

2. Theo tôi, đó chỉ là một điều bình thường, không phải bây giờ mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước đã có sự thay đổi rồi. Ví dụ, ta có thể tìm thấy dấu vết xa xưa ấy từ ca dao, tục ngữ, chẳng hạn, ở Nam Định có câu: Gà Văn Cú, phú Lộng Điền, tiền Phú Hậu, hoặc ở huyện Ba Vì (Hà Tây) có câu: Hồ Tri Lai, y môn Vải, gác chuông Nả… nhưng cụ thể nay đâu, làm sao xác định rành mạch? Khi đọc lại Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, ta gặp: Trong làng Cây Gõ nhà bên rường cột/ Ngoại chợ Cây Vông giậu cặm gốc gai/ Nhắm Kinh Mới như chỉ giăng đàng đất/ Đi Chợ Hôm vừa tới sặp mặt trời.

Dù là người cố cựu nhưng nay mấy ai có thể cho biết rõ vị trí tên làng, tên chợ nêu trên? Thử tưởng tượng, nếu chúng ta sống trong thời buổi ấy, khi kinh Ruột Ngựa đổi tên thành Kinh Mới thì trong lòng thế nào? Cuối thế kỷ XIX, ông Trương Vĩnh Ký cho biết Kinh Mới: “Là kinh Ruột Ngựa đào thẳng qua Rạch Cát. Chợ Hôm là chợ thuở xưa ngoài cây me quán Bánh Nghệ (cây me mát) mà trong Xóm Bột, trên đường Chợ Lớn đi ra”. Đọc thì biết thế, nhưng muốn biết cụ thể hơn, phải làm sao?

Thật ra với vùng đất Sài Gòn - TPHCM, trước hết, ta hãy nói về địa danh Phiên An. Từ thành Phiên An đến thành Gia Định là một câu chuyện dài. Trong Gia Định thành thông chí, ở phần “Cương vực toàn thành” của các trấn, căn cứ vào đó, ắt ta biết trấn Phiên An phía Bắc giáp Biên Hòa, nằm trong khu vực địa lý từ sông Thủ Đức đến sông Bến Nghé, chuyển quanh xuống ngã ba Nhà Bè, thẳng ra cửa Cần Giờ. Ban đầu gọi Dinh phiên trấn, năm 1808 vua Gia Long đổi thành trấn Phiên An - tức vùng Sài Gòn hiện nay. Nay, liệu chừng mấy ai nhớ đến trấn Phiên An?

Rồi khi thực dân Pháp sang nước Nam ta: Ông Tây giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam thì lại thay đổi, Kim Gia Định phong cảnh vịnh cho biết: Bình Dương với huyện Tân Long/ Đặt làm thành phố chỗ trong chỗ ngoài/ Sài Gòn - Chợ Lớn chia hai/ Tên thì có khác, đất thì cùng liên.

Nếu ông Trương Vĩnh Ký không chú thích ắt nay ta sẽ nhầm: “Đất Bình Dương là Sài Gòn, nay lập ra thành phố theo phép bên Tây. Huyện Tân Long là chỗ Chợ Lớn nay cũng nay lập làm thành phố theo phép bên Tây”. Đất cùng liên là dù tên khác nhưng vẫn liền đường với nhau. Dù thế nào đi nữa, nay ta vẫn nhớ như in tâm tình của tiền nhân thuở trước: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Suy luận ra, tên cũ mất đi, thay thế bằng tên mới và theo năm tháng người ta sẽ quen dần. Vậy, địa danh cũ có bị xóa nhòa trong ký ức cộng đồng? Không đâu. Thế hệ sau vẫn còn có thể tìm thấy trong ca dao, tục ngữ, các áng thơ văn xưa hoặc từ những công trình nghiên cứu. Thí dụ, cho đến nay, chúng ta đã có những nghiên cứu giá trị như Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới (1945-2002) của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân (Viện Sử học) hoặc các công trình nghiên cứu Địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Địa bạ triều Nguyễn của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu… Thế nên, dù thay đổi thế nào, thế hệ sau vẫn còn biết đến, nếu thật sự quan tâm.

&6a.jpg
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nét dịu dàng giữa lòng đô thị hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

3. Dù vẫn biết là thế, nhưng với người đương thời là chúng ta đây có cảm thấy “hụt hẫng” gì không? Tôi nghĩ là có, bởi như đã nói là các địa danh ấy đã thuộc về ký ức. Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại ắt sẽ thấy còn đó nhiều dấu xưa từng hằn vết sâu đậm trong tâm tưởng.

Đã nói thì xin nói “có đầu có đũa” rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM năm 2025. Sau khi sắp xếp, TPHCM có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu; trong đó có 112 phường, 50 xã, 1 đặc khu và 5 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp là phường Thới Hòa, các xã Long Sơn, Hòa Hiệp, Bình Châu, Thạnh An. Có phải các địa danh cũ đều mất đi? Không đâu. Vẫn còn đó.

Trong phạm vi của bài viết ngắn này, cho phép tôi chỉ lướt qua. Thí dụ, hiện nay vẫn còn địa danh Thủ Đức. Vì sao có tên gọi này? Tôi không dám khẳng định, chỉ biết sách xưa kể lại rằng, ngày trước nơi này có ngôi mộ thờ Thành hoàng bổn xứ là “ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức là tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông”, bia dựng vào năm 1890. Một khi nhớ đến chi tiết này, qua tên gọi Thủ Đức tự bản thân địa danh ấy đã nhắc nhở người đời sau ăn ở thế nào cho phải đạo, không phụ công tiền nhân khai hoang mở đất.

Khu vực quận 1 vẫn còn địa danh Tân Định, Bến Thành, Sài Gòn, Cầu Ông Lãnh. Tùy vào đời sống cá nhân mà mỗi người có “chất liệu” khác nhau trong suy nghĩ, điều này càng làm phong phú thêm sức sống của vùng đất đó. Với tôi, dù không phải sinh ra tại đây nhưng tôi dành tình cảm hết sức đặc biệt với tên gọi Cầu Ông Lãnh, bởi Ông Lãnh chính là Lãnh binh Thăng tên thật Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866) đã được người Sài Gòn tôn làm thần của đình Nhơn Hòa (số 27, đường Cô Giang, TPHCM). Trong ngày đầu chống giặc Pháp xâm lược, sau khi chủ tướng Trương Định mất, ông Lãnh binh Thăng vẫn kiên cường cầm quân, lãnh đạo chiến đấu oanh liệt tại vùng hữu ngạn sông Soài Rạp đến Cửa Tiểu. Trong trận giao chiến ngày 27-6-1866, ông trúng đạn, tử thương. Các nghĩa quân đã vượt vòng vây của giặc để đưa thi hài của vị lãnh binh sắt son một lòng vì nước về an táng tại quê nhà Bến Tre. Thử hỏi, làm sao chúng ta không có cảm tình với tên gọi phường Cầu Ông Lãnh?

Khu vực quận 3 còn có địa danh Bàn Cờ, Nhiêu Lộc… Tôi tin rằng chỉ nhắc đến, ngay lập tức trong đầu đã hiện về biết bao kỷ niệm thân thương. Do nơi này cấu trúc đường phố ngang dọc như bàn cờ tướng nên gọi Bàn Cờ? Các nhà nghiên cứu nói thế. Với Nhiêu Lộc, không rõ có phải tên gọi của ông Lộc xuất thân từ Nhiêu học (là danh hiệu của người đỗ đầu kỳ thi Hương) như trường hợp tên đường Nhiêu Tâm, Nhiêu Tứ? Dù không quả quyết như nhà nghiên cứu, nhưng ai ai cũng tự hào đây là một trong những dấu ấn của công cuộc đổi mới từ sau 1975 - khi Nhà nước cùng nhân dân thực hiện thành công dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc.

Khu vực quận 4 còn có còn địa danh Vĩnh Hội, Khánh Hội, Xóm Chiếu rất quen thuộc. Hò… ơ…, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hò… ơ… tôi gối đầu mỗi đêm. Vẫn biết câu vọng cổ này, NSND Viễn Châu viết về chiếu Cà Mau nhưng ca lên ở Xóm Chiếu vẫn “hợp cảnh hợp tình” đấy chứ? Nơi đây ngày xưa toàn bưng sình nhiều cây bàng, cây lác nên nảy sinh nghề dệt chiếu và trở thành tên gọi. Chỉ cần biết thế, là đã thương về ký ức của một vùng đất thân quen.

Khu vực quận 5 còn có địa danh Chợ Quán, An Đông, Hòa Hưng rất gần gũi. Ai sao thì tôi không rõ, chứ tôi nghĩ tên gọi Chợ Quán đã có từ xa xưa lắm rồi: Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển/ Quan quân rầm rập cầu Khâm Sai/ Vào Chợ Quán ra Bến Nghé/ Xuống Nhà Bè lên Đồng Nai. Trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh kể thật chi tiết. Có điều ta còn phân vân vì sao tên gọi là Chợ Quán, có phải khu vực ấy xưa kia có nhiều quán/ hàng quán trong chợ? Chỉ là suy luận, còn cụ thể ra làm sao xin dành cho các nhà nghiên cứu vậy.

4. Nhìn chung trong bản danh sách của 168 đơn vị hành chính cấp phường, xã và đặc khu, chúng ta thấy giữ lại nhiều tên gọi lâu đời vốn có, chi tiết này cho thấy ký ức không đứt gãy, xóa nhòa. Khi nghe đến các tên gọi này, ai ai cũng có thể chia sẻ tình cảm riêng tư của mình, nghĩ thế nào, hiểu thế nào là tùy mỗi người, chứ không nhất thiết phải theo phân tích rành mạch, nghiên cứu khoa học một cách chỉn chu và chính xác. Việc này cũng bình thường, vì yêu một địa danh, thương một vùng đất bao giờ cũng thuộc về ký ức cá nhân. Chính đây cũng là yếu tố để cư dân thêm gắn bó, tận tụy hết lòng, biết ơn về vùng đất đã cưu mang đời mình theo năm tháng.

Tin cùng chuyên mục