Anh Lãm ơi, Phương đây!

Một buổi sớm, tôi đang ngồi ở sạp nước trà bên cửa rạp Hồng Hà, ông Ngọc Phương, Giám đốc Nhà hát cải lương, thấy tôi đang vui chuyện, chuyện xưa, chuyện nay cũng sà vào kéo ghế ngồi cạnh. Ông vui vẻ vỗ vai tôi: “Này, ông bạn! Mình biết ông bạn cũng là lính làm nghệ thuật mới ra đây để cùng bọn mình làm ăn”. Ba chữ “cũng là lính” của ông giám đốc này làm tôi nhớ đến một anh tên Phương ở tiểu đoàn tôi, anh em thường gọi là Phương Tây vì anh đẹp trai, trắng trẻo, người Hà Nội, lại biết nói tiếng Pháp…

Một buổi sớm, tôi đang ngồi ở sạp nước trà bên cửa rạp Hồng Hà, ông Ngọc Phương, Giám đốc Nhà hát cải lương, thấy tôi đang vui chuyện, chuyện xưa, chuyện nay cũng sà vào kéo ghế ngồi cạnh. Ông vui vẻ vỗ vai tôi: “Này, ông bạn! Mình biết ông bạn cũng là lính làm nghệ thuật mới ra đây để cùng bọn mình làm ăn”. Ba chữ “cũng là lính” của ông giám đốc này làm tôi nhớ đến một anh tên Phương ở tiểu đoàn tôi, anh em thường gọi là Phương Tây vì anh đẹp trai, trắng trẻo, người Hà Nội, lại biết nói tiếng Pháp…

Bán tin bán nghi, tối hôm đó, tôi phóng đến khu tập thể Nam Đồng, tìm tướng Sùng Lãm nguyên đại đội trưởng của tôi.

- Em hỏi anh về cái anh Phương của ta ngày xưa…

Ông cắt ngang:

- Ôi giời cái thằng này, thế các cậu chưa nhận ra nhau à? Nó đấy! Tớ tưởng ở với nhau đã mấy năm rồi mà vẫn chưa nhận ra thì xoàng quá. Thế cái trận ấy tớ tưởng có cậu, vì trận ấy Tiểu đoàn 722 của ta tưởng đã xơi tái bọn chúng mà hóa ra bị chúng nó lừa.

- Hôm ấy C30 trợ chiến của bọn em đều có mặt đầy đủ hết. 3 khẩu cối 82 chỉ mong lệnh của anh để nhả đạn, còn khẩu đội Brôning của em đang muốn phát huy truyền thống “Tiên khoán - Tía rền - Tử thanh” để có thành tích chào mừng ngày 22-12. Nhưng không hề thấy bất cứ lệnh nào từ trung đội cho đến đại đội và cả tiểu đoàn nên cũng cứ yên như tờ.

- Thế cậu không trông thấy chúng nó dong thằng Phương đi à?

- Có chứ, nhưng bọn em chẳng hiểu sao anh Phương lại bị như thế? Cả tiểu đoàn bao vây đồn của chúng nó, anh chẳng phổ biến là cứ chuẩn bị sẵn sàng chưa cần nổ súng để bắt chúng nó đầu hàng không cần tốn đạn là gì?

- Ấy đấy, nó đề nghị tớ lên để chúng nó bàn kế hoạch xin hàng. Tớ lại cẩn thận xin ý kiến trung đoàn, nhưng các anh ấy bảo cử người khác đóng thay làm giả Sùng Lãm. Hơn nữa tớ lại chẳng biết tiếng Pháp nên mới cử thằng Phương nó đủ điều kiện đóng giả Tiểu đoàn trưởng Sùng Lãm lên để nhận điều kiện chúng nó xin đầu hàng…

- Bọn em lúc ấy thấy chúng nó kéo đàn kéo lũ từ đồn An Lão - một ngọn núi cao đi xuống nhưng lại không thấy hướng về phía mình mà chúng cứ thẳng đường 21 về Nam Định. Trong cái hàng quân rồng rắn từ trên ngọn núi đất - đồn trú của một đại đội hỗn hợp quân Pháp và ngụy, trong đó có Tham mưu trưởng tiểu đoàn Nguyễn Ngọc Phương - người đóng giả Tiểu đoàn trưởng Sùng Lãm. Lúc đó nếu chiến đấu có hiệu lực nhất vẫn là đại đội của chúng em, đại đội trợ chiến có đủ các loại vũ khí bắn tầm xa hơn bộ binh chỉ có súng trường và tiểu liên. Phía sau em là 3 khẩu cối 82 ly đang sẵn sàng nhả đạn, riêng em đang siết chặt cò khẩu đạn liên Brôning chỉ chờ lệnh bắn là em và hai khẩu đại liên bên cạnh cùng nhả đạn thì chắc chắn không sót một tên. Nhưng Tiểu đoàn trưởng Sùng Lãm như rên lên: “Giời ơi nó bắt cậu Phương nhà mình đi giữa hàng quân kia kìa? Thế thì làm sao mà bắn? Nếu bắn thì Nguyễn Ngọc Phương phải chịu chết trước. Tai ác quá, quỷ quyệt quá giời ơi!”.

- Phương ơi! Sùng Lãm như chết nửa thân mình, ông kêu lên: Phương ơi! Mày đừng oán tao nhá Phương!

…Thế rồi có một ngày, cơ sở hoạt động bí mật của ta trong hàng ngũ địch báo tin: Nguyễn Ngọc Phương bị chúng đưa vào trại tù Nhà máy chai Hải Phòng, rồi từ đó chúng lại đưa vào Nhà Tiền Hà Nội. Phương được chúng đưa vào đội tù sĩ quan có ký hiệu (PGO) đẩy đi bót Catinat Sài Gòn, rồi nhà lao Chí Hòa, đưa ra Côn Đảo. Đội tù sĩ quan kiên cường này đã thành lập Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam. Chi bộ này được lấy tên là Chi bộ 195. 195 tức là 19-5 - ngày sinh Bác Hồ. Trong chi bộ này, Phương nhận ra những đồng chí quen biết: Như Hồng Vũ, Tỉnh đội trưởng Hải Dương; Vũ Hạnh, Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 48 Trung đoàn chủ công của Đại đoàn 320 - Quân Đồng Bằng Liên khu III…

Khi trao trả tù binh theo Hiệp nghị Giơnevơ, toàn thể Chi bộ 195 được Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo xác nhận là chi bộ hoạt động kiên cường - liên tục nên Nguyễn Ngọc Phương vẫn được chọn đi học đạo diễn sân khấu tại Liên Xô. Trong khi chờ nhận hộ chiếu, Nguyễn Ngọc Phương tạm giữ chức Trưởng rạp Hồng Hà.

Rồi một ngày sóng yên, biển lặng, đạo diễn sân khấu kiêm Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương đi phục vụ quân dân Quảng Ninh, được Trung tướng Tư lệnh trưởng đặc khu Quảng Ninh (Quân khu Đông Bắc) tiếp đón nồng nhiệt. Cái bắt tay của hai vị đứng đầu hai đơn vị đã làm cho ông Giám đốc Ngọc Phương chết lặng người. Tướng Sùng Lãm thì rất vô tư nên ông thấy Ngọc Phương thất thần liền nói: “Ơ đồng chí làm sao thế, đồng chí ngồi xuống đây”. Phương nhận ra ông Lãm một cách rất dễ dàng bởi con mắt của người có nghề đạo diễn nghệ thuật. Ông Ngọc Phương nhìn thẳng vào mắt tướng Sùng Lãm. Nhưng ông Lãm cũng thấy tay giám đốc này cũng hao hao như thằng ấy? Nhưng làm sao lại có thể là thằng ấy được, vì nó biệt vô âm tín, mình chỉ được tin nó bị đẩy vào căng Nhà máy chai Hải Phòng là hết…

- Anh Lãm ơi! Phương đây - Phương đây!

Đờ đẫn cả người, thân ông tê dại, ông kêu lên vẫn cái giọng hôm ấy. “Phương à? Phương thật à, làm sao mà mày vẫn còn sống, làm sao lại là đạo diễn?... Các đồng chí ơi! Đây là ân nhân của tôi, đây là người đã sẵn sàng thế mạng tôi để nhận cái chết, để nhận tù đày bao năm”. Ông ôm chặt lấy Ngọc Phương mà nước mắt giàn giụa, dù rằng suốt cuộc đời binh nghiệp của ông, không bao giờ - không khi nào ông khóc…

Câu chuyện này còn kịch tính hơn, xúc cảm hơn những vở diễn mà chính Nguyễn Ngọc Phương đã đạo diễn xưa, nay.

KHẮC TUẾ

Tin cùng chuyên mục