Sẵn sàng cho đi…
“Con gái và mấy đứa em ruột của mình, đứa nào lớn lên cũng đều đặn hiến máu tình nguyện. Qua năm, nhà lại có thêm thành viên đủ 18 tuổi để tham gia ngân hàng máu sống của thôn”, anh Văn Sinh chân chất, chậm rãi mở đầu câu chuyện khi nói về việc hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người. Anh hiến máu từ năm 1997. Ở lần đầu, các bác sĩ ân cần phân tích và vận động anh tham gia nhóm “Ngân hàng máu sống” của huyện Quảng Điền để cứu các bệnh nhân cấp cứu sau khi phát hiện anh nhóm máu O, nhóm máu có thể cho tất cả mọi người. “Ban đầu, thấy tôi đi hiến máu liên tục, có người nghi ngờ đi bán máu kiếm tiền, họ còn bảo có nghèo khó thì lao động mưu sinh chứ ai lại làm như vậy. Nhưng chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của người nhận, mình bỏ ngoài tai tất cả mọi lời dị nghị”, anh Sinh kể.
Giữa căn nhà cũ kỹ nhưng chi chít giấy khen, bằng khen treo tường, chị Hồ Thị Nở, vợ anh Sinh cùng chồng nhớ về những lần hiến máu đột xuất. Chị cho biết, thấy chồng vẫn khỏe mạnh sau mỗi lần hiến máu thì bớt lo. “Anh đi hiến máu bất chấp nửa đêm, gà gáy, lúc đứng trưa hay trong dông bão. Miễn có người cần máu là anh lại tức tốc lên đường, không cần nghĩ ngợi, âu lo... Một lần, cả nhà đang gặt lúa chạy lũ thì anh nhận tin bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần máu gấp. Người báo tin chưa nói hết câu thì anh tức tốc lên đường khiến tôi thót tim, vì anh ấy mới hiến máu chưa được bao lâu. Nhưng anh nói, đã cứu người thì đừng suy nghĩ thiệt hơn”, chị Nở kể. Anh Sinh lại giải thích rằng: “Tất nhiên là trong thôn có nhiều người sẵn sàng hiến máu. Nhưng lúc đó điện thoại di động chưa phổ biến, hơn nữa bão lũ sắp đổ bộ nên thấy bất tiện. Mình đi hiến máu là hợp lý nhất”.
Lan tỏa giọt máu hồng
Không chỉ dẫn đầu về thành tích hiến máu cứu người với 68 lần, năm 2008, anh Sinh còn gõ cửa từng nhà, vận động những thanh niên khỏe mạnh trong thôn thành lập Ngân hàng máu sống thôn Tân Xuân Lai. Lúc đầu, có 10 thành viên, nhưng nay là 30 người, gồm cả nam và nữ. Người nhỏ nhất 18 tuổi, còn lại 30-49 tuổi. Đa số đều đã lập gia đình và đều chung tinh thần hiến máu cứu người. Chồng vợ cùng đi hiến máu; có nhà cả cô, chú, cháu cùng đi hiến máu.
Chị Chế Thị Diệp (thôn Tân Xuân Lai) cho biết, lúc đầu nghe hiến máu rất sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng rồi tự tin, chiến thắng bản thân nhờ sự tuyên truyền, vận động và giải thích cặn kẽ của anh Sinh. “Hôm ấy, tôi cùng anh Sinh đi thăm người bà con điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế thì vô tình hay tin có một sản phụ cần truyền máu, nếu không có máu truyền sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Những người thân của sản phụ ở bệnh viện lúc đó đều không đủ điều kiện để lấy máu. Nhìn cảnh người chồng òa khóc nức nở vì bất lực, nhìn đứa trẻ bụ bẫm mới sinh chưa được ủ ấm trong vòng tay người mẹ, lòng tôi quặn thắt, trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ: Hay mình cho máu ngay? Nhưng thực tình lúc ấy tôi rất sợ kim, sợ cho máu rồi ảnh hưởng đến sức khỏe… Bao cái sợ, cái lo cứ lấn cấn trong đầu. Nhưng rồi tiếng khóc của đứa trẻ đã đánh thức tình thương của tôi. Tôi quyết định đến phòng cho máu, giúp sản phụ qua cơn nguy kịch”, chị Diệp nhớ lại. Cũng từ lần ấy, chị Diệp và chồng là anh Phan Tịnh trở thành thành viên tích cực của Ngân hàng máu sống thôn Tân Xuân Lai với 22 lần hiến máu cứu người.
Cùng các thành viên Ngân hàng máu sống thôn Tân Xuân Lai hì hục đóng xong thùng củ quả, kịp gửi tặng bà con TPHCM trong những ngày thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19, anh Nguyễn Đình Hưng là một trong 3 thành viên Ngân hàng máu sống thôn Tân Xuân Lai vừa hiến tiểu cầu tại Bệnh viện Trung ương Huế tuần trước, nói: Chỉ biết ở đâu cần máu là mình đến hiến. “Phương châm của nhóm là hiến máu cứu người chứ không nhận tiền hoặc để lại thông tin cá nhân cho người nhận máu, hay người thân của họ hàm ơn. Ai cũng suy nghĩ, không vì giọt máu ân tình mà để người bệnh cảm thấy nặng lòng”, anh Hưng chia sẻ.
Nằm ở cuối nguồn sông Bồ, Tân Xuân Lai là thôn thuần nông nên cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Song vùng đất nghèo và thường hứng chịu thiệt hại lũ lụt ấy, lại nổi tiếng với nhiều người dân sẵn sàng hiến máu cứu người. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trong thôn phải dừng hoặc chững lại, nhưng bà con thôn Tân Xuân Lai vẫn tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19 để tiếp tục trao tặng giọt máu hồng cứu các ca bệnh nguy kịch.
Bà Lê Thị Mộng Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Thọ, nhận xét, bà con thôn Tân Xuân Lai xưa nay sống dựa vào cây lúa, cây đậu, có năm lũ lụt mất mùa, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng tiếng thơm về ngôi làng có thành tích hiến máu đứng đầu huyện thì ai cũng biết. Trong đó, Ngân hàng máu sống thôn Tân Xuân Lai do anh Sinh vận động thành lập luôn sẵn sàng hiến máu và tiếp máu “nóng” cho bệnh nhân. Mọi thành viên trong Ngân hàng máu thôn Tân Xuân Lai đều hiểu và thương những bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sinh tử cần từng giọt máu, nhất là nhóm máu O, A khan hiếm. Trong đó, công đầu là anh Sinh, người không chỉ hiểu biết về việc hiến máu, mà quan trọng là có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào và lặng thầm hiến máu đều đặn như thế.
“Với nghĩa cử cao đẹp của mình, anh Văn Sinh được Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp”, bà Lê Thị Mộng Hòa cho biết.