Ánh sáng cuối đường hầm

“Thảm họa” là một trong những từ thường được dùng để mô tả tình trạng nhân khẩu học của Nhật Bản: một xã hội với dân số lão hóa khi tỷ lệ sinh ở mức thấp. Tuy nhiên, thực tế, trong những năm gần đây, dường như tình hình đang cải thiện.
Ánh sáng cuối đường hầm

“Thảm họa” là một trong những từ thường được dùng để mô tả tình trạng nhân khẩu học của Nhật Bản: một xã hội với dân số lão hóa khi tỷ lệ sinh ở mức thấp. Tuy nhiên, thực tế, trong những năm gần đây, dường như tình hình đang cải thiện.

Nhật Bản chưa lọt vào “tốp 10” các quốc gia có tỷ lệ sinh sản (TFR - tức là số con trung bình một phụ nữ có trong cả cuộc đời) thấp nhất. Năm 2005, TFR của Nhật Bản chạm đáy ở mức 1,26 (tức trung bình mỗi phụ nữ Nhật Bản sinh 1,26 con). Nhưng theo Japan Times, từ năm 2005 đến nay, TFR đều đặn tăng lên mặc dù ở tốc độ chậm. Đấy được xem là ánh sáng cuối đường hầm với dân số Nhật Bản. Theo Ngân hàng dữ liệu thế giới, trong năm 2013 (năm gần nhất có đầy đủ dữ liệu), TFR của Nhật Bản đạt 1,43, cao hơn so với Hàn Quốc và Singapore (cùng là 1,19), Hồng  Công (1,12) và Đức (1,38).

Bình đẳng giới là một trong những yếu tố có thể làm gia tăng dân số Nhật Bản

Nhật Bản không phải là đất nước duy nhất có TFR thấp hơn mức trung bình toàn cầu 2,1. Nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy phần lớn các nước có TFR thấp đang trên đà cải thiện. Liên hiệp quốc (LHQ) ước tính rằng nếu xu hướng gia tăng TFR tiếp tục, Nhật Bản sẽ đạt TFR ở mức 1,72 trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá xa so với mức TFR trung bình toàn cầu 2,1. Như vậy, Nhật Bản dự kiến sẽ mất khoảng 15% dân số hiện nay vào năm 2050.

Các dữ liệu của LHQ cho thấy tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ tử vong cùng giảm sau thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nền kinh tế của một đất nước phát triển sẽ giúp phụ nữ tiếp cận tốt hơn với giáo dục và việc làm. Nhưng điều này cũng nảy sinh những xung đột gia đình và tăng áp lực với phụ nữ khiến không ít phụ nữ trì hoãn kết hôn và sinh con hoặc không có con. Đây là những gì Nhật Bản đang trải qua hiện nay.

Nhưng ý tưởng này đã bị nhà nhân khẩu học Mikko Myrskyla tại Trường khoa học chính trị và kinh tế London bác bỏ. Theo ông Myrskyla, khi chỉ số phát triển con người (HDI), thước đo tổng hợp những thành tựu của một quốc gia về y tế, giáo dục và sự giàu có, vượt qua 0,86, khả năng sinh sản của quốc gia đó bắt đầu phát triển. Nếu ông đúng, với chỉ số HDI của Nhật Bản đạt 0,89 (năm 2013), nước này đang trải qua một quá trình chuyển đổi dẫn đến gia tăng TFR. Không thể khẳng định dân số Nhật Bản sẽ sớm vượt qua tình trạng dân số già nhưng việc TFR tăng là dấu hiệu đáng trân trọng.

Tình hình của Nhật Bản giống với châu Âu cách đây hơn 20 năm, khi TFR tại châu Âu cũng bắt đầu tăng. Ngoài ra, xu hướng ở các nước châu Âu cho thấy rằng bình đẳng giới có thể là chìa khóa để có tỷ lệ sinh cao hơn. Với Nhật Bản, thay đổi đã bắt đầu. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, đàn ông nước này dành trung bình 27 phút mỗi ngày về nhà làm việc phụ giúp vợ trong năm 1996. Con số này tăng lên 49 phút vào năm 2001 và 69 phút vào năm 2011. Điều này vẫn còn ít hơn rất nhiều so với hơn 3 giờ trung bình mỗi ngày một phụ nữ Nhật Bản làm việc gia đình nhưng cho thấy sự thay đổi trong giá trị từ truyền thống dẫn đến bình đẳng. Và gia đình bình đẳng đã được chứng minh là có nhiều con hơn so với những gia đình truyền thống.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục