Ánh Viên giành 2 Huy chương vàng, 3 lần phá kỷ lục Sea Games

Sau Quý Phước, đến lượt Nguyễn Thị Ánh Viên cũng giành tiếp 2 HCV và còn phá kỷ lục 3 SEA Games ở nội dung 800m tự do và 400m hỗn hợp cá nhân nữ (Ảnh).

Sau Quý Phước, đến lượt Nguyễn Thị Ánh Viên cũng giành tiếp 2 HCV và còn phá kỷ lục 3 SEA Games ở nội dung 800m tự do và 400m hỗn hợp cá nhân nữ (Ảnh).

Ánh Viên là VĐV tâm điểm của các nội dung bơi trong ngày hôm nay. Vì lẽ đó, cô rất được các đối thủ chú ý. Viên góp mặt ở chung kết nội dung 800m tự do, 400m hỗn hợp cá nhân và đều xuất phát ở làn 4 (làn có lợi thế nhất).

Tại cự ly 800m tự do, Viên luôn là người dẫn đầu từ khi xuống nước. Tại cuộc đấu này, 2 đối thủ người Thái Lan là Himathongkom và Sripanomthorn cạnh tranh rất quyết liệt với Viên. Là cự ly dài hơi nên các đối thủ sau 400m đầu đã dần phân tốp và Viên cùng nhóm VĐV của Thái Lan luôn ở phía trên.

Sau 8’34”85 thi đấu, Ánh Viên đã về nhất để đoạt HCV. Kết quả trên đồng thời cũng xác lập là kỷ lục mới của SEA Games trong nội dung 800m tự do nữ. Kỷ lục cũ thuộc về 1 VĐV của Singapore lập từ năm 2009 tại Lào là 8’35”41. Đây là kết quả mỹ mãn cho riêng Viên bởi tính tới thời điểm này, một mình cô đã phá 2 kỷ lục của SEA Games.

Sự hấp dẫn đến tiếp theo ở cuộc đua 400m hỗn hợp cá nhân. Ánh Viên là người nhanh chóng về đích với kết quả 4’42”88, đoạt HCV. Dù đây chưa phải kết quả cá nhân tốt nhất của Viên nhưng nó vẫn đủ để trở thành kỷ lục mới của SEA Games. Kỷ lục cũ được Viên lập ngay sang 6-6 ở vòng loại nội dung với 4’43”93.

Tính tới thời điểm này, Ánh Viên đã giành cho mình 2 HCV tại SEA Games năm nay và 3 lần phá kỷ lục SEA Games.

Trước đó, Quý Phước là kình ngư đầu tiên của Việt Nam thi đấu chung kết cự ly trong tối 6-6. Tại chung kết 200m nam, Quý Phước phải đối đầu với các VĐV của Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Quý Phước giành Huy chương vàng ở cự ly 200m nam.

Xuất phát ở làn 6, Phước dần vượt lên trước sự bám đuổi quyết liệt của VĐV chủ nhà Quah Zheng Wen (Singapore). Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng chinh chiến nhiều lần tại SEA Games, Phước đã chạm đích đầu tiên với kết quả 1’48”96. Thành tích này được xác lập kỷ lục mới của SEA Games trong khi kỷ lục cũ thuộc về VĐV nổi danh Daniel Bego (Malaysia) là 1’49”22.

Đoạt HCV cự ly, Phước cũng xác lập thành tích ấn tượng cho mình khi lần thứ 3 liên tiếp đoạt HCV ở 3 kỳ SEA Games gần đây.

* JUDO giành Huy chương vàng đầu tay

Là VĐV duy nhất của đội judo góp mặt trong 1 trận chung kết ở các nội dung mà các tuyển thủ Việt Nam góp mặt, Nguyễn Thị Thanh Thủy đã “mở hàng” cho các đồng đội.

Thanh Thủy thi đấu tại hạng 52kg. Đối thủ của cô là một gương mặt tới từ tuyển Lào Phonenthaly. Trận đấu chỉ kéo dài chưa đầy 4 phút và chiến thắng đã thuộc về Thanh Thủy. Đây là chiếc HCV đầu tay của judo tại SEA Games 28-2015.

Thanh Thủy trong trận thi đấu với Phonenthaly (Lào).

Trước đó, các VĐV Bùi Minh Quân (91kg nam) và Nguyễn Thị Thanh Trâm (57kg nữ) đã giành HCĐ nội dung.

Ở một kết quả khác, tuyển thủ Danh Út Kiên đã vào tranh HCĐ với Ramirez (Philippines) trong nội dung 66kg nhưng để thua qua đó không giành được huy chương.

Môn judo còn diễn ra tới ngày 8-6. Mục tiêu của judo Việt Nam là đạt từ 2 tới 3 HCV tại SEA Games năm nay.

MINH CHIẾN 

* Điền kinh và Thể dục dụng cụ mang về 2 tấm huy chương vàng

(SGGPO).- Nguyễn Thanh Phúc mang Huy chương vàng đi bộ nữ về cho đoàn thể thao Việt Nam. Nữ kiện tướng người Đà Nẵng về nhất phần thi đi bộ 20 kilomet với thành tích 01 giờ 45 phút 19 giây.

Thanh Phúc mang về HCV cho Tổ quốc.

Chín vòng trước khi về đích, Thanh Phúc xếp thứ hai, kém VĐV Myanmar khoảng một giây. Cô gái người Đà Nẵng áp dụng chiến thuật núp gió và bứt lên ở những vòng cuối cùng. Ở vòng thứ bảy, Thanh Phúc vượt lên dẫn đầu và liên tục bứt phá sau đó. Khi còn sáu vòng, cô bỏ xa đối thủ Myanmar tới 44 giây. Cách biệt tiếp tục được nữ VĐV Đà Nẵng nới rộng lên 56 giây khi còn 4 vòng, rồi 59 giây khi còn 4 vòng, rồi 1 phút 1 giây khi còn 2 vòng.

* Sau chiếc HC vàng đi bộ của Nguyễn Thanh Phúc, đoàn thể thao Việt Nam  nhận tiếp tin vui khi môn thể dục dụng cụ cũng giành một huy chương vàng.

* Wushu có hai nội dung thi đấu buổi chiều là Thái Cực Quyền nữ và Trường Quyền của nam.

Ở nội dung trường quyền nam, 2 VĐV Việt Nam tham gia tranh tài là Trần Xuân Hiệp và Nguyễn Mạnh Quyền. VĐV Trần Xuân Hiệp mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam tấm HCĐ khi đạt 9,68 điểm. Còn Nguyễn Mạnh Quyền đứng vị trí thứ 7 với 9,56 điểm.

Giành HCV nội dung này là Yong Yi Xiang của chủ nhà Singapore đạt 9,70 điểm và VĐV Lukma Aldy của Indonesia giành HCB với 9,69 điểm.

Tham dự nội dung Thái Cực Quyền nữ, VĐV Trần Thị Khánh Ly kết thúc bài thi chỉ đạt 9,37 điểm, đứng vị trí thứ 5. Giành HCV ở nội dung này là VĐV nước chủ nhà Singapore Tan Yan Ning Vera. Còn Chan Lu Yi của Malaysia giành HCB với 9,65 điểm, HCĐ nội dung này thuộc về Ho Lin Ying (Singapore). 

Q.K

* Billiards & Snooker: Mã Minh Cẩm vào tốp có huy chương

Trong buổi chiều thi đấu hôm nay ở nội dung Billiards & Snooker, chỉ có tay cơ Mã Minh Cẩm lọt vào trong tốp có huy chương. Tại nội dung Billiards 1 băng, Mã Minh Cẩm thể hiện sự vượt trội so với Suwannasingh (Thái Lan) giành chiến thắng khá thuyết phục với tỷ số 100-27 chỉ sau 24 lượt cơ. Chiến thắng này đã đưa Minh Cẩm vào bán kết diễn ra vào ngày 8 gặp người thắng trong cặp đấu giữa Rudy Hassan (Indonesia) và Efren Reyes (Philippines).

Nội dung Billiards Anh 500 điểm, tay cơ Phạm Hoài Nam có bước khởi đầu khá tốt trước Peter Gilchrist khi dẫn đối phương 271/186 ở giữa trận đấu. Từng vô địch thế giới năm 2013, tay cơ người Anh nhập tịch thi đấu cho Singapore Peter Gilchrist sau đó đã chứng tỏ bản lĩnh khi làm cuộc lội ngược dòng thắng lại 501/359 khiến Phạm Hoài Nam bị loại.

Ở nội dung Pool 9 bi nữ, cả 2 cô gái Việt Nam đều bị loại ngay ở trận đầu tiên. Đoàn Thị Ngọc Lệ nhận thất bại trước Chezka (Philippines) 4-7, trong khi Huỳnh Thị Ngọc Huyền dẫn trước Suhana (Malaysia) 5-4 nhưng để thua ngược lại 5-7. Nội dung Pool 9 bi nam, Phạm Thanh Thùy đã để thua Htet Ko (Myanmar) 2-4 sớm bị loại.

Tối nay, cơ thủ Nguyễn Thanh Bình sẽ thi đấu nội dung Billiards Anh 500 điểm gặp Ko Chit Ko (Myanmar) để xác định người thắng lọt vào vòng có huy chương và Đỗ Hoàng Quân/Nguyễn Anh Tuấn sẽ gặp Amir/Jason (Malaysia) ở trận tứ kết Pool 9 bi đôi nam.

Quang Trực
 

* Ánh Viên lập kỷ lục mới tại SEA Games 28

Dù buổi sáng 6-6 mới chỉ thi đấu vòng loại các nội dung môn bơi nhưng VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên sớm tạo bứt phá qua việc xác lập 1 kỷ lục mới tại SEA Games.

Ánh Viên lập kỷ lục mới trong phần thi 400m hỗn hợp cá nhân nữ trong sáng 6-6. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ánh Viên dự vòng loại 400m hỗn hợp cá nhân nữ trong lượt thứ 2 cùng các VĐV của Thái Lan, Singapore và Myanmar. Ngay từ khi xuất phát, cô đã sớm bứt lên dẫn đầu. Kết thúc lượt vòng loại, Ánh Viên về nhất với thời gian 4’43”93. Thông số này được ban tổ chức bơi công nhận là kỷ lục mới ở cự ly 400m hỗn hợp cá nhân nữ tại SEA Games. Kỷ lục cũ cũng của chính kình ngư này là (4’46”16) lập tại SEA Games 27-2013 ở Myanmar.

Viên sẽ thi đấu chung kết nội dung vào tối nay 6-6. Ngoài ra, cô cũng sẽ thi đấu chung kết của cự ly 800m tự do nữ ở buổi tối cùng VĐV Lê Thị Mỹ Thảo.

Cùng có mặt thi đấu chung kết trong tối nay còn có Hoàng Quý Phước. VĐV bơi số 1 nam Việt Nam đã về nhất ở lượt vòng loại thứ 2 cự ly 200m tự do với kết quả 1’53”56. Điều này đồng nghĩa, Phước có 1 suất dự chung kết.

Hoàng Quý Phước (trái) xuất phát trong phần thi 200m tự do sáng 6-6. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ở cự ly 200m tự do nam, Lâm Quang Nhật thi đấu vòng loại không thành công do chỉ đứng hạng 6 lượt thứ 2 nên không được vào chung kết.

Một nội dung khác là 100m ngửa nam, Trần Duy Khôi đạt kết quả 58”24 tại vòng loại nên được vào đấu chung kết.

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục