Trong 1 tháng vừa qua, gần 17 bức tường ở các con đường, con hẻm ở quận 1 gồm các phường Đa Kao, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Bến Nghé, Bến Thành đã được biến hóa thành các bức tranh graffiti sống động mang thông điệp bảo vệ tê giác. “Phù thủy” của các bức tranh ấy là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, từ sinh viên cho đến họa sĩ, người đi làm; từ bạn trẻ người Việt Nam, Việt kiều cho đến người nước ngoài.
Bức tranh kêu gọi bảo vệ tê giác tại góc đường Võ Văn Kiệt rẽ vào đường Nguyễn Văn Cừ
Áo mới
Con hẻm 60 Lê Thị Riêng (phường Bến Thành) vốn bị dán tràn lan tờ quảng cáo, rao vặt. Trên bức tường không quá dài dẫn vào hẻm, số cũ, số mới chen nhau. Đã vậy, bức tường cũ, xuống màu, càng làm cho con hẻm trở nên mất mỹ quan. Người dân cũng chỉ biết thở dài bởi dù đã được dọn dẹp nhiều lần nhưng đâu vẫn vào đó.
Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa tới hai ngày, con hẻm được “thay áo mới”. Hai bữa nay, người dân đi ngang hẻm cứ ngó nghiêng nhìn vào một đám bạn trẻ: người xé giấy quảng cáo rao vặt, người trộn màu sơn, người quết sơn lên tường, người hì hục vẽ lá vẽ cây, vẽ tê giác… Đứng ngắm bức tường mới đầy màu sắc, ông Trần Thanh Long, bảo vệ Công ty TNHH Daso ngay đầu hẻm, tấm tắc khen: “Tụi nhỏ giỏi và sáng tạo quá. Mới hôm qua bức tường còn bẩn mà nay đẹp hẳn lên. Giờ cứ đi ngang hẻm là thấy thú vị, rực rỡ lắm”.
Người phụ trách chính “vẽ áo” cho bức tường này là nghệ sĩ graffiti Danny Dao. Anh cho biết, dùng sơn chất lượng cao Montana, có thời gian giữ lại khá lâu để vẽ lên bức tường này. “Nội dung của bức tranh thể hiện rất đơn giản, dễ hiểu, như vậy mọi người mới tập trung vào thông điệp, câu chuyện về tê giác và bảo vệ động vật hoang dã mà mình muốn diễn đạt”, Danny Dao chia sẻ.
Góc đường ngay đại lộ Võ Văn Kiệt rẽ vào đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho) cũng nhếch nhác không kém. Không chỉ dán đầy quảng cáo rao vặt, anh Cao Văn Bình (ngụ tại đường Võ Văn Kiệt) còn cho biết: “Góc này trước đây đi ngang thấy nhiều đống xà bần. Những người ý thức kém còn hay ghé vào tiểu bậy, rồi có hôm lợi dụng lúc tối trời, mấy con nghiện cũng ghé vào “chích cái rồi đi”. Lắm lúc có việc đi ngang tôi cũng né, lo kiếm đường khác”.
Thế mà, chiều 21-3, lúc đi bộ ngang góc phố này, anh Bình ngạc nhiên trước sự thay đổi không hề nhỏ của góc đường này. Vừa đưa điện thoại lên chụp hình mấy chú tê giác trên bức tường, anh nói: “Không ngờ được tô màu, vẽ hình, bức tường lại thú vị, đẹp mắt và ý nghĩa đến vậy. Các bạn trẻ, các nghệ sĩ thật nhiệt tình. Vẽ hình xong, các bạn còn dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi nữa…”.
Hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, hẻm 158 Nguyễn Công Trứ, hẻm 36 Lê Lợi, hẻm 36 Nguyễn Huy Tự, hẻm 218 Đề Thám, đường Hòa Mỹ, đường Phan Kế Bính, vòng xoay Điện Biên Phủ, góc cầu Bùi Hữu Nghĩa, chung cư 10A Trần Nhật Duật… cũng được “khoác áo mới”.
Khơi gợi ý thức bảo vệ động vật hoang dã
“Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã” là một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác”. Đây là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố và các hoạt động tương tác nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng, lãnh đạo địa phương và đặc biệt là giới trẻ về việc ngừng tiêu thụ sừng tê giác và cam kết bảo vệ tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chương trình do Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển CHANGE phối hợp với Quận đoàn quận 1 tổ chức từ 26-2 đến 26-3. Sau khi kết thúc, 17 tác phẩm sẽ được giữ nguyên với kỳ vọng trở thành “góc tê giác” độc đáo.
Trên những bức tường, bức tranh được vẽ không phải cảnh tê giác đang bị chém giết, cưa sừng đầy máu me… Đó chỉ là hình một con tê giác buồn rầu, cái sừng bị nổ ra từng mảnh và không còn có giá trị gì nữa. Đó là một con tê giác đứng trên bờ với đôi mắt buồn sâu thẳm, còn dưới mặt nước là rất nhiều con tê giác khác - đã chết. Những câu chuyện, những hình ảnh không quá ghê rợn nhưng vẫn khơi gợi được sự thấu hiểu nơi người xem.
Xuyên suốt dự án, các nghệ sĩ graffiti gồm Trang Suby, Florian Nguyen, Danny Dao; các bạn sinh viên giỏi hội họa như Bảo Huỳnh, Kong Nhox, Tường An, Duy Linh, Hoàng Hiệp, Xuân Công và 2 nghệ sĩ graffiti nước ngoài là Jeremy (Pháp) và Philip (Anh) đã thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau về loài tê giác trong bối cảnh thành thị thông qua 17 tác phẩm nghệ thuật tranh tường. “Thông điệp bảo vệ tê giác đã có rất nhiều rồi, quan trọng là người ta có để ý hay không. Tôi hy vọng hình ảnh trên các bức tường sẽ đọng lại khi mọi người đi ngang qua và họ sẽ nghĩ về tê giác, sẽ có một sự thông cảm và chung tay bảo vệ nhất định”, nghệ sĩ Danny Dao nói. Anh Philip cũng chia sẻ: “Mong rằng thông điệp cứu tê giác đến được với nhiều người dân TPHCM thông qua những tác phẩm nghệ thuật đường phố”.
Là người lên ý tưởng cho dự án, chị Thới Thị Châu Nhi, Giám đốc Chương trình CHANGE/WildAid Vietnam, cho biết: “Gần một năm trước, khi lang thang quanh TP, mình thấy có những bức tường bị vẽ bậy, vừa xấu xí và rất phí trong khi dự án về tuyên truyền bảo vệ tê giác đang có nhu cầu truyền thông đến mọi người. Tôi nghĩ, tại sao không vẽ lên những bức tường như thế này, vừa đẹp vừa giúp mọi người hiểu hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã. Thật may mắn khi Quận đoàn quận 1 đồng ý cùng triển khai ý tưởng này”.
Hoạt động nghệ thuật này cũng thu hút sự quan tâm, thăm hỏi của lãnh sự quán nhiều nước. Chiều 21-3 vừa rồi, ngài Phó Đại sứ Anh Steph Lysaght đã “xắn tay áo” tham gia sơn tường, vẽ tranh cùng các nghệ sĩ. “Những hoạt động vẽ tranh, tuyên truyền như thế này rất quan trọng bởi vì nó giúp cho người dân có thể biết và hiểu nhiều hơn tình trạng của các loài tê giác, động vật hoang dã hiện nay. Tôi rất mong muốn hoạt động này sẽ gây được hiệu ứng tích cực đến nhiều người dân Việt Nam”, ông Steph Lysaght chia sẻ.
VÕ THẮM