"Ảo theo mốt" và khổ vì "sành điệu"

Mỗi ngày, giới trẻ khắp nơi nảy ra nhiều ý tưởng mới, tạo nên các trào lưu khiến nhiều người làm theo. Không chỉ “ảo đúng mốt” trên mạng xã hội mà việc phải chạy theo đúng trào lưu ngoài đời thật cũng ăn sâu vào tiềm thức của nhiều bạn trẻ Việt. Từ những trào lưu đó, lối sống hời hợt, vô cảm, dễ dãi… đã làm lệch ứng xử của giới trẻ.
"Ảo theo mốt" và khổ vì "sành điệu"

Mỗi ngày, giới trẻ khắp nơi nảy ra nhiều ý tưởng mới, tạo nên các trào lưu khiến nhiều người làm theo. Không chỉ “ảo đúng mốt” trên mạng xã hội mà việc phải chạy theo đúng trào lưu ngoài đời thật cũng ăn sâu vào tiềm thức của nhiều bạn trẻ Việt. Từ những trào lưu đó, lối sống hời hợt, vô cảm, dễ dãi… đã làm lệch ứng xử của giới trẻ.

Món snack khói, kem khói phủ khí nitơ lỏng đang là món ăn sành điệu của giới trẻ

Sợ bị tụt hậu

Gần 1 năm trở lại đây, N.B.Q., sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải liên tục chia sẻ các dòng trạng thái thể hiện quan điểm cá nhân về một số vấn đề chính trị trên mạng xã hội - điều xưa nay bạn bè hiếm thấy ở Q. Không chỉ chia sẻ trên mạng xã hội, trong các cuộc trò chuyện cùng bạn bè, Q. cũng chủ động phê phán điều này, chỉ trích điều kia và đôi khi thể hiện thái độ cười cợt đối với các sự kiện chính trị trong nước.

Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân khiến Q. bức xúc với nhiều vấn đề chính trị - xã hội, Q. tỏ ra bối rối và thừa nhận rằng: “Em mới đăng status chứ chưa tìm hiểu nên không rành về chuyện này lắm. Tại thấy bạn bè nhận xét và được like nhiều nên em nói theo”. Khi chúng tôi hỏi mục đích để đăng status mà không hiểu nguyên nhân, bản chất sự việc thì Q. thành thật: “Giờ ai cũng nói về chính trị, mình không nói thì lại lạc lõng, bị coi là mù thông tin nên… nói đại theo người ta”.

Hay vào thời điểm xảy ra sự việc cá chết ở một số tỉnh ven biển miền Trung, mạng xã hội bùng nổ những dòng trạng thái bức xúc đẩy vấn đề lên cao. Thậm chí, đó đây còn có những lời lôi kéo tụ tập đông người. Khi chúng tôi hỏi, bạn trẻ tên Phạm Trà My (quê Bến Tre) cho biết: “Em nghe nói khoảng 100.000 người cùng lên tiếng phản đối vụ cá chết thì nước ngoài sẽ vào cuộc điều tra nguyên nhân nên chia sẻ liền lên trang cá nhân của mình mà không suy nghĩ gì”.

Suy nghĩ và hành động của những bạn trẻ như Q. hay My không hiếm. Có thể thấy rằng, chưa bao giờ giới trẻ lại quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước như hiện nay. Ở mọi nơi, mọi chỗ đều dễ dàng bắt gặp người trẻ bàn về chính trị. Lẽ ra là tín hiệu đáng mừng nếu đó không phải là thể hiện quan điểm theo kiểu trào lưu. Giới trẻ ngày nay có lợi thế là sự đa dạng về nguồn tin và các bạn trẻ cũng khá tự do trong việc thể hiện tiếng nói của mình, thế nhưng tai hại hơn khi các bạn tiếp cận nguồn tin và phát đi quan điểm của mình kiểu a dua theo đám đông, sợ mình bị coi là tụt hậu…

Khổ vì “sành điệu”

Không chỉ trong cách phát ngôn, thể hiện quan điểm mà cả thời trang, màu tóc, kiểu tóc, ăn uống, các trò giải trí… nhiều bạn trẻ cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng của thế giới để thể hiện sự sành điệu của mình. Đã qua rồi thời thách dội nước đá, tay vòng qua eo chạm rốn, khoe hông quả táo, kiss cam… Năm 2016, giới trẻ thực hiện nhiều trào lưu lạ hơn như: bút kẹp dưới ngực để chứng tỏ là đúng “chuẩn phụ nữ”, kẻ chân mày ngang mới gọi là đẹp, chuốt lông mi cầu vồng, tóc màu pastel… 

Trào lưu xoài lắc, khoai lắc chưa kịp hạ nhiệt thì thời gian gần đây, giới trẻ quay cuồng với phong trào ăn mì cay nhiều cấp độ. Có tiệm còn treo thưởng ai ăn hết tô mì cấp độ 7 sẽ được tặng 1 triệu đồng. Hình ảnh, video clip từ các cuộc thách đố ăn mì cay lan tràn trên mạng xã hội sau đó càng gây nên sự phấn khích cao độ, tạo nên trào lưu thách nhau ăn mì cay. Bất chấp thời tiết, nhiều bạn trẻ vẫn đổ xô đi “chinh phục” món mì cay mà không lường trước được hậu quả.

Cách đây không lâu, anh Hoàng Vũ (sống tại TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã tham gia thách thức ăn mì cay thưởng tiền tại một quán ăn ở địa phương. Sau 2 ngày thi đấu ăn mì, anh là người duy nhất chinh phục được thử thách mì cay 7 độ và nhận thưởng 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi ăn món mì cay này, toàn thân anh Vũ nóng bừng như lửa đốt, dạ dày đau thắt từng cơn, nôn ói trong nhiều giờ và suýt phải nhập viện. Một ngày sau khi ăn, cơ thể Vũ mới trở lại thể trạng bình thường. Capsaicin chính là chất tạo ra độ cay trong ớt của món mì này. Bên cạnh những tác dụng như diệt vi trùng, làm thông sự bế tắc mạch máu… nhưng khi đến một lượng nhất định, chất này sẽ gây hại cho cơ thể người.

Tuy nhiên, khi trang cá nhân có tên Huy Trần đăng tải đoạn clip anh Vũ thử thách ăn mì cay cấp độ 7 lại khiến mọi người hào hứng theo dõi. Một số ít rút kinh nghiệm nhưng cũng không ít bạn trẻ bị kích thích và tiếp tục rủ rê nhau chinh phục thử thách này. Và mới đây, món snack khói, kem khói “làm mưa làm gió” trong giới trẻ. Ngay từ khi xuất hiện, được một vài bạn trẻ chia sẻ qua “phây”, hàng ngàn bạn trẻ khác đã đua nhau săn lùng những địa chỉ bán snack khói để thưởng thức. “Mấy đứa bạn cùng lớp em sành điệu lắm, món ăn gì mới mấy bạn cũng biết. Em thấy món snack khói từ ảnh bạn chụp trên Facebook. Nhìn mấy bạn vừa ăn vừa phà phà khói trông rất hay. Thấy thích nên em cũng rủ bạn bè kiếm ăn thử”, Lê Thanh T. (học sinh lớp 10 tại quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết.

Tuy độc và lạ là vậy nhưng snack khói thực chất được chế biến từ khí nitơ lỏng phủ bên ngoài những viên snack. Nhiều chuyên gia trong nước tỏ ra e ngại vì món ăn này không đảm bảo an toàn, thậm chí hít phải khí nitơ nhiều sẽ tổn hại sức khỏe. Ăn nitơ không chết nhưng sẽ làm tổn hại đến răng, cơ quan vị giác trên lưỡi. Tuy nhiên, nhiều thực khách trẻ khi thưởng thức snack khói lại không mấy quan tâm đến nitơ lỏng, họ vẫn bị mê hoặc bởi món ăn lạ lùng này.

Càng độc, càng lạ, càng thú vị, càng nhiều người chú ý, theo dõi sẽ càng có nhiều lượt “like”. Mạng xã hội chỉ là một phần dẫn đến nhận thức lệch lạc. Yếu tố chính vẫn là lối sống của người trẻ. Bị cuốn hút và mải mê chạy theo những trào lưu giải trí, ăn chơi, du nhập từ nước ngoài, người trẻ Việt dường như đang trở thành con rối của trào lưu mà dần quên lãng đi những giá trị thuộc về văn hóa.

 Ứng xử với trào lưu

Phải biết phân biệt tốt - xấu

Chúng ta vẫn thường nói với nhau về mặt trái của các trào lưu trên mạng xã hội mà ít ai nói đến mặt tích cực của nó. Trào lưu giống như con sóng vậy, cứ xô vào bờ thật cao trào rồi dạt ra, tan vào biển cả. Trào lưu từ mạng xã hội không hẳn tất cả là xấu, bạn trẻ nhận thức đúng đắn và biết cách ứng xử với nó thì nó sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta thêm thú vị.

Rõ ràng, bên cạnh một số bạn trẻ lạm dụng, tiêu tốn nhiều thời gian vào những trào lưu vô bổ, rất nhiều bạn trẻ nhận dạng và ứng xử rất khéo léo với trào lưu trên mạng xã hội; những trào lưu đi ngược với giá trị nhân văn, hời hợt với cái hay, cái tốt sẽ bị tan đi rất nhanh. Nhiều bạn trẻ còn biết vận dụng vào cuộc sống của mình bằng cách chuyển hóa nó thành những câu chuyện hài hước trong giao tiếp. Trong quá trình đó, chắc chắn bạn trẻ không thể tránh được sự ảnh hưởng. Nên thay vì bài trừ, nói không với trào lưu, chúng ta biết nhận diện, phân biệt cái tốt, cái xấu, biết khéo léo đưa trào lưu vào thế giới của mình theo hướng tích cực, giúp chúng ta có thêm thông tin hữu ích, cách tiếp cận tươi mới, cuộc sống của mỗi người thêm màu sắc và vui vẻ hơn.

Nguyễn Thị Diễm (Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM)

Hãy làm những điều có ích

Theo tôi, những trào lưu mà giới trẻ hiện nay đang chạy theo chỉ là một hiện tượng nhỏ và hầu như nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Xuất hiện mau rồi cũng chợt tắt như những bài hát thị trường. Và những trào lưu đó chắc chắn sẽ chẳng đọng lại những gì có giá trị cho cuộc sống này cả. Tôi chẳng để ý lắm đến những trào lưu đó cho đến khi có những cá nhân gặp hậu quả rồi báo chí lên tiếng những việc đó là thiếu suy nghĩ. Khi có những hiện tượng lạ xuất hiện, ta cần phải xem xét vấn đề nó thật rõ ràng, xem vấn đề ấy có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mình và người xung quanh không rồi tham gia trào lưu cũng chưa muộn. Đằng này các bạn trẻ bây giờ cứ thấy cái gì hay hay là đâm đầu vào để rồi nhận lại hậu quả thật đáng tiếc.  

Thay vì chạy theo trào lưu, ta hãy làm những hoạt động có ích cho xã hội, cho bản thân có phải tốt hơn không? .

Lê Quang Lâm (27 tuổi, quận 9, TPHCM)

Xác định mục đích  khi tham gia trào lưu

Việc giới trẻ tiếp cận theo kiểu trào lưu cũng có cái hay cái dở, bởi không có trào lưu thì sự phát triển của xã hội cũng phần nào bị hạn chế. Ví dụ như nhờ trào lưu khởi nghiệp mà một bộ phận giới trẻ ngày nay đã làm lên chuyện, rất nhiều mô hình kinh doanh mới, năng động đã ra đời, vừa tạo việc làm, vừa phục vụ nhu cầu thiết thực cho mọi người và hội nhập được với sự phát triển trên thế giới. Quan trọng nhất là người trẻ phải biết xác định đâu là trào lưu dài hạn, ngắn hạn, đâu là trào lưu tích cực, tiêu cực và có chủ đích khi tham gia vào trào lưu đó.

Tuy nhiên, tuổi trẻ thường hay chơi ngông và sợ mình trở lên lạc lõng trong cộng đồng nên lao vào các trào lưu vô bổ, thậm chí là trào lưu tiêu cực một cách mù quáng. Riêng tôi không thờ ơ với trào lưu nhưng tôi luôn tâm niệm đừng để trào lưu chi phối suy nghĩ và hành động mà phải biết bóc tách vấn đề trong mỗi trào lưu để tìm ra lối đi riêng.

Phạm Hữu Thắng (quận 4, TPHCM)

VÕ THẮM - HẢI THU

Tin cùng chuyên mục