Áp dụng lãi suất thỏa thuận - Lối ra chưa thông

Lãi suất nóng dần
Áp dụng lãi suất thỏa thuận - Lối ra chưa thông

Thông tư 07/2010/TT-NHNN về cho phép cho vay bằng VND theo lãi suất (LS) thỏa thuận có hiệu lực thực hiện gần một tuần nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đang tiếp tục “nhìn ngó nhau”. Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) cũng chưa dễ vay được với LS thỏa thuận.

Giao dịch tại Eximbank chiều 3-3. Ảnh: CAO THĂNG

Giao dịch tại Eximbank chiều 3-3. Ảnh: CAO THĂNG

Lãi suất nóng dần

Những ngày gần đây nhiều NHTM đã đẩy LS cho vay trung và dài hạn lên khá cao, khoảng 16%/năm. Theo tính toán của các NHTM, để hút được vốn, LS huy động thực đã vượt xa 10,5%/năm (giới hạn “đỏ” của NHNN), cộng thêm chi phí kinh doanh, lợi nhuận, LS đầu ra 16%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, 16%/năm chỉ là mức LS phổ biến, cũng có khách hàng được vay với LS thấp hơn hoặc phải trả lãi cao hơn, tùy mức độ rủi ro và độ “thân thiện” cũng như khả năng sử dụng dịch vụ tại ngân hàng đó. Mặt khác, LS cho vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng NH.

Theo TS Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM, dư nợ trung và dài hạn của các NHTM sẽ tăng nhưng không đáng kể do vốn ngắn hạn vẫn chiếm áp đảo trong tổng vốn huy động. Các NHTM còn vướng một số rào cản như NH chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, cho vay chứng khoán không được vượt quá 20% vốn điều lệ… Do vậy, hiện nay các NHTM đang ngó nhau để đề ra chính sách LS phù hợp. Vì thế, thời gian tới mặt bằng LS sẽ có nhiều biến động mạnh.

Tổng Giám đốc Sacombank Trần Xuân Huy cho rằng LS cho vay sẽ trở về xu thế hợp lý hơn, trung và dài hạn sẽ cao hơn ngắn hạn. Theo ông Huy, Sacombank đang cân nhắc để đưa ra chính sách tín dụng mới và việc cho vay theo LS thỏa thuận sẽ giúp NH chủ động đánh giá tốt hơn mức độ rủi ro của khách hàng chứ không cào bằng như nhau. Thực tế, nhiều NHTM đã điều chỉnh tăng LS cho vay đối với những hợp đồng tín dụng đáo hạn và ký lại. Cuộc cạnh tranh để thu hút vốn và cho vay trung và dài hạn vẫn rất gay go. Phó Tổng Giám đốc Baoviet Bank Trương Văn Huỳnh cho rằng nên bỏ trần LS huy động 10,5%/năm để NH dễ thở hơn trong huy động vốn.

Theo nhận định của một số DN, tình hình kinh tế nước ta vẫn chưa khả quan lắm. Nhiều mặt hàng và nguyên liệu đã tăng giá khá cao, nếu chi phí vốn đẩy lên DN sẽ lâm cảnh khó khăn. Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Phượng Anh Quân Hứa Tuấn Kiệt bày tỏ: “Hiện tại công ty tôi định vay khoảng 1 tỷ đồng để triển khai một số hợp đồng, nhưng với mặt bằng LS cho vay hiện nay cao quá, LS 1%/tháng đã là cao so với khả năng sinh lời của chúng tôi”.

Còn theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Gia Hà Đình Khương, trong lúc quan hệ tín dụng ở nước ta chưa thật sự minh bạch thì cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế tiêu cực “xin cho”, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho DN.

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Chí Nguyện cho rằng cơ chế LS thỏa thuận này không mới, đã từng được áp dụng trong giai đoạn 2002-2008 nên các DN đã quen. Tuy nhiên, theo ông Nguyện, đã làm thì làm cho trót, NHNN nên thả nổi cả LS cho vay ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Kiểm soát nợ xấu

LS thỏa thuận tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư ở thị trường bất động sản và chứng khoán. Tổng giám đốc Công ty HDReal Nguyễn Quốc Dũng cho rằng với LS thỏa thuận, dòng vốn sẽ chảy mạnh vào thị trường bất động sản và chứng khoán. Thời gian qua hai thị trường này trầm lắng vì nguồn vốn hạn hẹp, không được ưu tiên.

Theo ông Dũng, mức LS 15-16%/năm là chấp nhận được với nhà đầu tư bất động sản. Bên cạnh hai thị trường trên, mảng tiêu dùng cá nhân cũng có nhiều khả năng bùng nổ với chính sách LS thỏa thuận. Năm 2009, theo NHNN Chi nhánh TPHCM, dư nợ cho vay bất động sản đạt 78.290 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng dư nợ. Còn dư nợ cho vay tiêu dùng cũng tăng vọt, đến 69,6% so với đầu năm 2009.

PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng - Trường ĐH Kinh tế TPHCM cảnh báo: Khi các NHTM mạnh dạn mở rộng cho vay, tổng dư nợ sẽ tăng và nợ xấu cũng sẽ tăng theo. Điều này chúng ta phải chấp nhận nếu muốn kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

TS Hồ Diệu khẳng định, khi dư nợ trung và dài hạn tăng lên thì nợ xấu cũng có khả năng tăng vì rủi ro cho vay trung và dài hạn luôn cao hơn ngắn hạn. Đó là điều cần chủ động ngăn chặn và đòi hỏi bản lĩnh của NH trong thẩm định dự án, giải ngân các khoản vay.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục