Lượt đi vòng loại sơ bộ thứ ba Champions League

Áp lực

VÒNG 3 LIGUE 1 CHỜ OLYMPIQUE MARSEILLE BÙNG NỔ

1- Cách đây vài tuần, khi hay tin Arsenal được bốc thăm vào ngay cặp đấu với Sparta Prague, HLV Wenger đã lịch sự bảo rằng ông kính nể Sparta, nhưng Arsenal sẽ vào vòng đấu bảng Champions League. Nói cách khác, Arsenal được đánh giá cao hơn mặc dù thành tích ở giải quốc nội kém xa đối thủ: Arsenal chỉ xếp thứ tư mùa qua ở Premier League trong khi Sparta Prague lần đầu tiên giành cú đúp kể từ năm 1989.
 

Áp lực ảnh 1
Chân sút Fernando Torres của Liverpool.

Được đánh giá cao hơn có lẽ vì một phép so sánh cũ: trên đường vào trận chung kết Champions League 2006, Arsenal đã gặp Sparta Prague trong vòng đấu bảng và thắng tuyệt đối: 3-0 trên sân nhà, 2-0 trên sân khách, trong đó trận thắng sân khách đã giúp Thierry Henry lập kỷ lục ghi bàn mới cho Arsenal với 186 bàn. Bây giờ thì Henry đã chia tay. Ai sẽ ghi bàn cho Arsenal, đó là một vấn đề. Hiện tại, tiền đạo Adebayor – một tay càn quét trong vòng cấm địa – vẫn đang dưỡng thương còn chân sút mới Eduardo da Silva thì chỉ có 50% cơ hội ra sân.
 
Vấn đề còn là áp lực, như tiền vệ Tomas Rosicky đã bộc bạch. Trước khi đối đầu với chính CLB mà anh đã khởi nghiệp cầu thủ nhà nghề, Rosicky cho biết: "Tôi thích gặp Sparta trong vòng đấu bảng hơn là bây giờ. Sparta không gặp áp lực nào, trong khi chúng tôi bị đòi hỏi phải thắng cả 2 trận". Thắng cả 2? Trong thời buổi hậu Henry này, thắng được một trận với cách biệt tỷ số an toàn đã là khó, nói gì 2.
 
2- Trận Toulouse - Liverpool được giới bình luận tại Anh ví như một trận chiến giữa các tiền đạo, và tất nhiên cũng sẽ có một bên chẳng gặp áp lực nào và một bên bị đòi hỏi phải chơi thật hay. Toulouse đang sở hữu một trong những tiền đạo ngôi sao của giải bóng đá Pháp: chân sút người Thụy Điển Johan Elmander. Anh ta đã ký với Toulouse thay vì Rangers vào năm ngoái và giờ đây sẽ so tài với Fernando Torres, chân sút đắt giá nhất trong lịch sử Liverpool.
 
Còn vấn đề áp lực thì sao? Nguy cơ thường đến từ những đội bóng không có gì để mất, và Toulouse thì quả là gần như... chẳng có gì về mặt thành tích ở châu Âu. Lần duy nhất họ xuất hiện ở cúp châu Âu trước đây là giữa thập niên 80, Cúp UEFA. Năm nay là lần thứ hai, và lần này chẳng khác gì một phép màu nho nhỏ nếu biết rằng họ từng bị tống xuống hạng 3 vào năm 2001 và suýt phá sản. Hoàn toàn ngược lại, Liverpool đã vào đến chung kết Champions League năm 2005, 2007 và là đội vô địch châu Âu nhiều lần nhất của bóng đá Anh. Kinh nghiệm nhiều, bản lĩnh nhiều, áp lực cũng nhiều.
 
3- Một trận đấu đáng chú ý khác: Spartak Moscow – Celtic. Bốn năm nay, Spartak không thành công chói lọi ở giải vô địch Nga như trước đây, nhưng sự xuất hiện của tân HLV Stanislav Cherchesov đã tạo ra một bộ mặt mới cho đội bóng. Họ có những bàn thắng của Roman Pavlyuchenko, có kỹ năng đi bóng dọc biên của Vladimir Bystrov và có cả sự trợ giúp của mặt sân nhân tạo tại Luzhniki Stadium.
 
Celtic chưa bao giờ gặp Spartak, chưa bao giờ gặp một đối thủ nào từ nước Nga, nhưng có quá đủ kinh nghiệm đối đầu với bóng đá Đông Âu. Cũng vào thời gian này, hai năm trước, họ đã bị Artmedia Bratislava hạ nhục ở tỷ số 0-5. Bây giờ thì phải khác... 

Tiến Minh (tổng hợp)

Áp lực ảnh 2
Tiền đạo Djibril Cisse (9, Marseille) trong trận hòa Rennes 0-0.

Tin cùng chuyên mục