Áp lực nặng nề

Vì là đội chủ nhà, thầy trò Franciszek Smuda không phải đá vòng loại EURO 2012. Nhưng họ đang chịu một áp lực khác, nặng nề hơn bội phần: Áp lực của sự kỳ vọng.

Vì là đội chủ nhà, thầy trò Franciszek Smuda không phải đá vòng loại EURO 2012. Nhưng họ đang chịu một áp lực khác, nặng nề hơn bội phần: Áp lực của sự kỳ vọng.

Áp lực đó đã dồn lên vai HLV Smuda ngay từ khi ông kế nhiệm Leo Beenhakker năm 2009. Vì là đội đồng chủ nhà EURO 2012, chẳng ai chấp nhận đội tuyển Ba Lan không thành công ở chung kết. Nhưng cũng không ai dám tin Ba Lan sẽ thành công - dù chỉ ở một chừng mực nào đó - khi thầy trò Smuda suốt 8 tháng trời không thắng một trận giao hữu nào trong năm 2010. Dư luận liên tục đòi tống khứ Smuda, cho đến khi thắng được Bờ Biển Ngà 3-1 mới dịu đi phần nào.

Một phần cũng là do Smuda lúc mới lên đã hơi ta đây quá mức. Ông hứa Ba Lan sẽ tấn công mạnh mẽ, thể hiện một “lối chơi đầy cuốn hút”. Lời hứa ấy chưa kịp thành hiện thực, Ba Lan đã thua đậm Tây Ban Nha 0-6 vào tháng 6-2010. Ừ thì đây là một Tây Ban Nha sẽ vô địch thế giới - Smuda có quyền biện hộ như vậy sau đó 1 tháng. Nhưng nói gì thì nói, với cái gáo nước lạnh 0-6 ấy, dư luận Ba Lan vẫn hiểu lối chơi cuốn hút của Smuda “vẫn chỉ là mơ thôi”. Còn Smuda thì tức khắc “giác ngộ” ra rằng ông không tìm được đủ nhân sự cần thiết cho dự án mơ mộng của mình.

o0o

Vấn đề lớn nhất của ông là hàng hậu vệ. Dĩ nhiên rồi! Ở trong nước, Smuda tìm không ra một cầu thủ phòng ngự nào đủ tầm cho đội tuyển. Thế là ông hướng ra nước ngoài, nài nỉ những cầu thủ sinh trưởng ở Ba Lan nhưng chơi ở Đức trở về với đất mẹ. Từ đó, hậu vệ trái Sebastian Boenisch của Werder Bremen, tiền vệ phòng ngự Adam Matuszczyk (Cologne) và Eugen Polanski (Mainz) đã trở thành tuyển thủ Ba Lan. Tương tự là trung vệ Damien Perquis (Sochaux), một cầu thủ sinh ra ở Pháp nhưng có ông ngoại là người Ba Lan.

Smuda đương nhiên tiếp tục bị chỉ trích về chính sách “hồi hương” đó, nhưng ông vẫn bám chặt nó. Cụ thể, ông… bám chặt Boenisch nhất. Lý do rất đơn giản: Hậu vệ trái là một điểm yếu “truyền thống” của đội tuyển Ba Lan. Dưới thời cựu HLV Beenhakker, 3 trận vòng bảng ở EURO 2008 có 3 hậu vệ trái khác nhau. Thế nên, mặc ai nói gì thì nói, ông vẫn giữ Boesnich như thể là một trong những lá bùa hộ mệnh của mình.

EURO 2012 là sự kiện thể thao lớn nhất tổ chức tại Ba Lan từ trước đến nay.

EURO 2012 là sự kiện thể thao lớn nhất tổ chức tại Ba Lan từ trước đến nay.

o0o

Nhưng cũng thật tai quái thay, khó khăn này vừa qua đi lại có ngay khó khăn khác xuất hiện: Chấn thương. Sau 2 lần mổ đầu gối, số lần xuất hiện của Boenisch ở Bundesliga mùa này quá thưa thớt, quá hạn chế. Còn Perquis thì bị rạn xương tay vào tháng 3 và đang phải chạy đua với thời gian.

Đáng phiền muộn hơn thế nữa, tiền đạo ngôi sao Robert Lewandowski không thể đá trận giao hữu tháng 2 với Bồ Đào Nha do chấn thương cơ bắp. Trận ấy hòa 0-0. Trong những tình huống như vậy, về lý thuyết thì Smuda có 2 giải pháp thay thế là Pawel Brozek và Ireneusz Jelen. Brozek đã ghi bàn đều đặn cho Wisla Krakow nhiều năm liền, Jelen cũng đường đường là một chân sút của Auxerre ở Pháp. Tuy nhiên, không may là 2 cầu thủ này đều đã chuyển CLB để rồi thường xuyên ngồi dự bị trong những ngày này.

Bởi vậy, có lẽ Smuda sẽ phải phiêu lưu với một cầu thủ trẻ như Artur Sobiech (Hannover) hoặc Maciej Jankowski (Ruch Chorzow).

o0o

Với tình hình như vậy, đương nhiên là khó cho Smuda rồi. Nhưng một lần nữa, bất kể hoàn cảnh ra sao, bất kể bản danh sách cuối cùng bao gồm những cầu thủ nào, Smuda vẫn dõng dạc một mục tiêu: Ít nhất phải vượt qua vòng đấu bảng, vào giai đoạn loại trực tiếp.

Ngược lại, dư luận bóng đá Ba Lan cũng có lý của họ: Vượt qua bảng A thì có gì to tát đâu mà lớn tiếng. Danh thủ một thời Zbigniew Boniek - người đã cùng thế hệ Lato vào tới bán kết Espana 82 - tuyên bố rằng bảng A với Nga, CH Séc và Hy Lạp “là bảng dễ nhất”. Không qua được bảng này, Smuda chỉ có thể tự trách mình mà thôi.

Tiến Minh

Tin cùng chuyên mục