Áp lực tăng lãi suất lớn

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% trong tháng 12-2016 và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017, đồng USD mạnh lên đáng kể đã khiến tỷ giá trong nước biến động mạnh. Tỷ giá USD/VND được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đã và đang gây áp lực lớn lên lãi suất VND. 
Áp lực tăng lãi suất lớn

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% trong tháng 12-2016 và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017, đồng USD mạnh lên đáng kể đã khiến tỷ giá trong nước biến động mạnh. Tỷ giá USD/VND được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đã và đang gây áp lực lớn lên lãi suất VND. 

Lãi suất sẽ được điều chỉnh ở mức thích hợp để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền (khách hàng gửi tiền tại HDBank). Ảnh: Huy Anh

Thanh khoản căng thẳng?

Hai tuần qua, các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất VND lên 0,2%-0,4%/năm, kỳ hạn gửi. Cụ thể,  Ngân hàng Eximbank đã chính thức tăng lãi suất huy động mới 0,1%-0,2%/năm từ ngày 15-12. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng  lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 5%/năm và 6 tháng lên 5,6%/năm. Ngân hàng PVcomBank cũng nâng biểu lãi suất tiền gửi 0,2%-0,4% ở một số kỳ hạn như: kỳ hạn 3 tháng tăng 5,3% lên 5,5%/năm; 6 tháng tăng 6,1% lên 6,5%/năm và mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này tăng lên là 7,7% với kỳ hạn 24 đến 60 tháng. Ngân hàng VPBank cũng vừa công bố tăng thêm 0,3% cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lên 5,2% và tăng 0,4% cho kỳ hạn 12 và 13 tháng lên mức 6,9%/năm…

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng cũng ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi “khủng” để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như Sacombank vừa triển khai chương trình khuyến mãi “Sinh nhật vui - Xuân hạnh phúc” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm và sử dụng dịch vụ tại các điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 40 tỷ đồng. Tương tự, MaritimeBank đang có Chương trình “Ngàn lộc tết, kết tình thân” dành cho người gửi tiền và mở gói tài khoản từ nay đến ngày 18-3-2017 với nhiều giải thưởng và quà tổng giá trị lên đến 4,5 tỷ đồng…

Lý giải việc tăng lãi suất thời gian gần đây, các ngân hàng cho biết vào dịp cuối năm, nguồn vốn tại các ngân hàng bị “chảy” ra ngoài vì người dân rút tiền mua sắm tết, doanh nghiệp rút tiền để chi lương, thưởng cuối năm và nhu cầu vốn trong nền kinh tế thường tăng cao nên các ngân hàng phải tìm cách để tăng huy động cân đối.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho rằng, động thái tăng lãi suất của một số ngân hàng thời gian qua là vì các ngân hàng đang phải chuẩn bị nguồn vốn cho việc thực hiện Thông tư 06 quy định tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đó là giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50%  kể từ ngày 1-1-2017.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, việc tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có những căng thẳng nhất định. Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,25%, đạt mức 5,1%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,17% lên mức 5,11%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,95% đạt mức 5,07%/năm. Bên cạnh đó, mặc dù NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu ở tất cả các loại kỳ hạn nhưng lượng vốn đáo hạn qua kênh này trong tuần vừa qua vẫn đạt 2.590 tỷ đồng. “Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã không còn dư thừa nhiều như trong quý 3 vừa qua”- một chuyên gia nhận định.

Lãi suất 2017 khó giảm

Nhìn chung trong năm 2016, NHNN cũng như các tổ chức tín dụng đã cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động, cho vay ổn định, tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giúp cho doanh nghiệp nói riêng có giá vốn hợp lý để phát triển.

Mặc dù vậy, nhận định về mặt bằng lãi suất trong năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để duy trì mặt bằng lãi suất như năm nay. Một trong những yếu tố khiến tình hình lãi suất trong thời gian tới không khả quan là vấn đề tỷ giá.

Đại diện Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, áp lực từ phía bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, tâm điểm là đồng USD mạnh lên do sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED. Theo đó, báo cáo “Triển vọng năm 2017” của VCBS  dự báo mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2% - 4%.

Trong bối cảnh đồng USD có thể điều chỉnh mạnh hơn trong năm 2017, các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, lợi suất trái phiếu toàn cầu gia tăng, việc cắt giảm hay duy trì lãi suất thấp của NHNN chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, với mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ giá và lãi suất, việc ngân hàng giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD là rất quan trọng. Bởi lẽ, một khi đồng USD mạnh lên mà lãi suất VND không tăng sẽ khó tránh khỏi dòng tiền tiết kiệm chảy sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và chứng khoán.

Chuyên gia kinh tế CấnVăn Lực cho rằng, lãi suất trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh ở mức thích hợp để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Nếu lãi suất đầu vào không hấp dẫn thì ngân hàng sẽ rất khó trong việc huy động vốn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, với mức lãi suất được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn dưới 12 tháng hiện ở mức trên 6%/năm chưa thực sự hấp dẫn. Chính vì thế, lãi suất huy động khó có thể kéo xuống trong năm 2017. Cùng với đó, việc không ít các ngân hàng trung và lớn đã tăng lãi suất huy động vào tháng 12-2016 sẽ gây áp lực không nhỏ cho các ngân hàng nhỏ trong việc phải điều chỉnh tăng lãi suất theo để giữ chân khách hàng. Lãnh đạo một ngân hàng cỡ trung tại TPHCM cho biết, hiện ngân hàng ông chưa tăng lãi suất huy động vì đã chuẩn bị đủ nguồn vốn cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư 06 chỉ còn 50%. Để duy trì chỉ số này, ngân hàng cũng phải cơ cấu lại nguồn vốn và có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn.

“Lãi suất huy động khó có thể kéo xuống trong năm tới, theo đó lãi suất cho vay cũng khó duy trì được mức cũ chứ đừng nói là giảm thêm” - vị này bày tỏ.


Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục