Kể từ ngày 6-11, Ngân hàng Trung ương Ai Cập chính thức thả nổi đồng bảng của nước này và giảm giá trị tới 48% đồng bảng nhằm đối phó với tình trạng tăng giá đột ngột và thiếu USD trên thị trường. Trước đó, Bộ Dầu mỏ Ai Cập cũng thông báo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh.
Sau khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi nắm quyền vào năm 2013, Saudi Arabia và United Arab Emirates đã viện trợ cho Ai Cập hàng tỷ USD. Điều đó đã cứu Ai Cập, nhưng cũng khiến ông al Sisi bỏ qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Giờ đây, Ai Cập đang nỗ lực tăng dự trữ ngoại tệ của nước này trong bối cảnh đất nước chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị sau cuộc nổi dậy tháng 1-2011, lật đổ cựu lãnh đạo Hosni Mubarak. Chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi buộc phải triển khai một chương trình kinh tế khắc khổ và tìm kiếm hàng tỷ USD hỗ trợ từ nước ngoài nhằm đáp ứng các điều kiện đối với khoản cho vay 12 tỷ USD của IMF cũng như thúc đẩy lòng tin của giới đầu tư.
Hồi trung tuần tháng 10, tài xế Mustapha Abdel Azeem trả lời phỏng vấn kênh El Hayah đã tức giận hỏi: “Trước cuộc bầu cử tổng thống, chúng tôi có đủ đường và có thể xuất khẩu gạo. Điều gì đã xảy ra? Các quan chức dành 25 triệu bảng để ăn mừng, còn người nghèo không có nổi 1kg gạo”. Đoạn phỏng vấn nhanh kéo dài 3 phút đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng và được tới hơn 2 triệu lượt xem chỉ trong vòng chưa tới 24 giờ đã nói lên sự bất mãn của người dân. Họ chỉ trích tổng thống không làm đúng lời hứa tranh cử là vực dậy kinh tế, chấm dứt tham nhũng. Thiếu ngoại tệ đã buộc nhiều người Ai Cập tìm mua USD trên thị trường chợ đen, nhập khẩu các mặt hàng, từ đường tới xe hơi đều giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới thanh niên. Trong khi đó, ông Sisi lại tập trung vào các siêu dự án hàng tỷ USD, bao gồm cả một thủ đô mới ở giữa sa mạc. Dự án 8 tỷ USD mở rộng kênh đào Suez cũng chỉ dẫn đến sự tăng trưởng có 4%, trong khi Cairo được dự đoán tăng trưởng 100% vào năm 2023. Dân chúng càng thất vọng khi chính phủ, một mặt yêu cầu người dân thắt lưng buộc bụng nhưng lại tổ chức cuộc họp chính phủ tốn hết 5 triệu USD tại một resort xa hoa ở Sharm al Sheikh.
CSM nhắc lại năm 1977, Ai Cập cũng tìm đến IMF nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Một trong số điều kiện cho vay là cắt giảm trợ cấp để kiềm chế chi tiêu công. Khi chính phủ cắt giảm trợ cấp cho bột mì và gạo theo đòi hỏi của IMF, bạo loạn đã xảy ra liên tiếp làm rung chuyển quốc gia và chỉ trong 2 ngày, 79 người thiệt mạng. Yên bình chỉ được khôi phục khi tổng thống lúc đó là Anwar Sadat phục hồi các khoản trợ cấp. Ngày nay, Ai Cập lại đang từng bước để đáp ứng các điều kiện của IMF. Trong tháng 8, giá điện đã tăng từ 25% - 40%, rồi tới nhiên liệu sẽ tăng. Nhưng gây tranh cãi nhất vẫn là chuyện thả nổi đồng bảng.
Đã có các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, vài cuộc bắt giữ. Tâm trạng của người Ai Cập giờ chưa phải nổi dậy mà đúng hơn, đó là sự tuyệt vọng. Chịu thay đổi trước áp lực kinh tế, Tổng thống Sisi và các nhà lãnh đạo Ai Cập khác sẽ phải thuyết phục công chúng rằng kế hoạch của họ có thể giải cứu nền kinh tế mà không gây tổn thương cho người nghèo. Nói rộng hơn, để đưa Ai Cập vào một con đường dẫn đến sự hồi sinh, họ phải cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động Ai Cập; thu hút đầu tư nước ngoài, giảm bớt vai trò của quân đội và làm sao để mọi người Ai Cập bình thường có thể có tiếng nói.
VIỆT KHUÊ