Áp tết, dịch cúm rình rập

Áp tết, dịch cúm rình rập

Trong khi virus cúm H7N9 trên gia cầm và ở người đang lây lan mạnh tại một số địa phương bên Trung Quốc, giáp biên giới Việt Nam khiến nguy cơ virus cúm H7N9 xâm nhập Việt Nam rất cao. Cùng với đó, ở trong nước, cúm H5N1 cũng đang nhăm nhe bùng phát khi loại virus này đang lưu hành tại nhiều tỉnh thành...

        Khó kiểm soát

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày cận Tết Nguyên đán 2014, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống diễn ra tràn lan và gia tăng ở nhiều địa phương. Riêng trên địa bàn Hà Nội, không chỉ tại các chợ cóc trong các khu dân cư mà ở nhiều chợ lớn như Cầu Giấy, Hàng Bè, Láng Hạ, Thành Công… các loại gia cầm, thủy cầm sống và đã giết mổ được bày bán la liệt, lẫn lộn với nhau. Đáng lo ngại hơn, phần lớn gia cầm, thủy cầm được kinh doanh đều không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch. Thậm chí nếu lực lượng thú y, y tế có kiểm tra thì cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” vì không thể kiểm tra, kiểm soát được hết.

Trong khi đó, tại các tỉnh biên giới phía Bắc (như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…), tình trạng nhập lậu gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Mới đây, tại buổi làm việc về công tác an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Ngọ 2014,

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, tình trạng buôn lậu gia cầm đang tái phát. Các tỉnh biên giới và Hà Nội cần kiểm soát, vì nếu để gia cầm lậu lọt vào sâu trong nội địa thì khó quản lý và không thể lấy mẫu xét nghiệm virus hết được, khiến sức khỏe của người tiêu dùng bị đe dọa. Về phía Bộ Công thương cũng thẳng thắn cho biết, tình hình gia cầm nhập lậu vẫn nóng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong năm qua đã có trên 55 tấn gia cầm sống, gần 300 tấn gia cầm qua giết mổ và phụ phẩm gia cầm nhập lậu, không bảo đảm an toàn bị phát hiện.

Tình trạng buôn bán gia cầm sống diễn ra tràn lan.

Tình trạng buôn bán gia cầm sống diễn ra tràn lan.

        Lo ngại bùng phát dịch cúm

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết hiện nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 168 trường hợp mắc bệnh virus cúm A/H7N9 với 51 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại hơn, số bệnh nhân mắc liên tiếp xảy ra, có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc và khu vực gần biên giới Việt Nam. Ngoài việc giao lưu giữa người dân hai nước gần biên giới, dịch cúm H7N9 còn có nguy cơ xâm nhập Việt Nam do việc vận chuyển buôn bán gia cầm chưa được kiểm soát. Tại Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là mùa đông - xuân, thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virus cúm H7N9. “Virus cúm H7N9 không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc mà xuất hiện ở cả lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan, bệnh nhân mắc phải do đi từ các ổ dịch về. Hiện nay, dù Việt Nam chưa ghi nhận có bệnh nhân mắc cúm H7N9 nhưng việc giao lưu đi lại, buôn bán giữa hai nước rất lớn. Vì thế, dịch có thể xâm nhập bất cứ lúc nào”, TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Đáng chú ý, Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, virus cúm H7N9 từ gia cầm khi lây bệnh sang người sẽ khiến bệnh nhân chuyển biến nặng, dễ gây tử vong. Thống kê cho thấy, phần lớn ca bệnh nhiễm cúm H7N9 đều bị viêm phổi nặng. Triệu chứng bao gồm: sốt, ho và khó thở, dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Đáng lo hơn là hiện nay cộng đồng chưa có miễn dịch với cúm H7N9, chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi tiếp xúc với mầm bệnh, người dân dễ bị nhiễm bệnh và khó khăn trong điều trị.

Bệnh nhân nhiễm virus cúm từ gia cầm thường rất khó điều trị
Bệnh nhân nhiễm virus cúm từ gia cầm thường rất khó điều trị


Bộ NN-PTNN cũng cho biết, virus cúm H7N9 rất khó phát hiện vì chúng lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện. Trong nội địa, qua giám sát lưu hành virus cúm trên gia cầm cho thấy có 80% xã, 66% huyện, 63% chợ là có virus cúm H5N1, đặc biệt trên đàn vịt có 5,7% vịt còn sống xét nghiệm vẫn có virus cúm H5N1, chứng tỏ virus cúm gia cầm đang lưu hành mạnh. Kiểm tra 147 chợ gia cầm ở 44 tỉnh thành, cơ quan chức năng đã phát hiện 90 chợ có gia cầm dương tính với cúm H5N1, chiếm trên 60%.

Trước nguy cơ nhiều loại virus cúm đang đe dọa sức khỏe của cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế cần tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng; đặc biệt lưu ý các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng. Khi có trường hợp nghi ngờ cần lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng bệnh cúm, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh về đường hô hấp. Tránh đưa tay lên mũi và miệng. Làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn. Nếu có các biểu hiện cúm như sốt cao, ho, đau đầu, khó thở, nhất là có tiền sử tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hoặc với gia cầm chết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục