APEC – Hợp tác giữa những nền kinh tế năng động

APEC – Hợp tác giữa những nền kinh tế năng động

APEC – Hợp tác giữa những nền kinh tế năng động ảnh 1

Thiếu nữ Hội An đón chào các quan chức du lịch APEC tại Hội chợ Du lịch APEC ở Hội An đêm 16-10.
Ảnh: V.M.

Chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên và hơn 40% dân số thế giới, 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đóng góp tổng GDP khoảng 23 nghìn tỷ USD (chiếm hơn 60% GDP toàn cầu), tổng giá trị thương mại 5,5 nghìn tỷ USD (hơn 57% thương mại thế giới). Mục tiêu của APEC không phải là xây dựng một khối thương mại, liên minh thuế quan hay khu vực mậu dịch tự do, mà là một diễn đàn mở, xúc tiến hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

APEC được thành lập năm 1989 với 12 thành viên sáng lập là các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia và Malaysia. Tháng 11-1991, APEC kết nạp Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Công thuộc Trung Quốc và Đài Bắc, Trung Quốc; tháng 11-1993 thêm Papua New Guinea và Mexico làm thành viên.

Đến tháng 11-1998, Việt Nam, Nga và Peru chính thức gia nhập tổ chức này. 21 nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau, tuy nhiên tham gia diễn đàn này đều nhằm hợp tác thúc đẩy tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

  • Các nền kinh tế năng động

Trong 21 thành viên APEC có 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8), gồm Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và Canada; 7 nền kinh tế là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD), gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong đó, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với nền công nghiệp hùng mạnh, nông nghiệp hiện đại và là trung tâm thương mại, tài chính của thế giới; Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới, 12% tổng sản lượng điện toàn cầu, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu mỏ.

Thành viên APEC cũng là những nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, tiến hành xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, hoàn chỉnh vào năm 2020; Hàn Quốc phát triển với tốc độ nhanh, đến giữa thập niên 80 đã trở thành nước công nghiệp phát triển mới (NICS); Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và du lịch rất phát triển; hay Singapore, đầu mối giao lưu thương mại quốc tế quan trọng, trung tâm tài chính và công nghệ cao của Đông Nam Á.

Hay những vùng lãnh thổ, như Đài Bắc, Trung Quốc nằm trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới có mức tăng trưởng liên tục trong ba thập kỷ gần đây và mức dự trữ ngoại hối hàng đầu thế giới; Hồng Công thuộc Trung Quốc được đánh giá là hệ thống kinh tế tốt thứ hai ở châu Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

APEC cũng là khu vực thịnh vượng của thế giới, trong đó, Australia xếp hàng thứ ba thế giới về chỉ số phát triển con người và hàng thứ sáu về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khu vực cũng có những nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, như Peru, tăng trưởng tương đối cao, song khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn rất lớn (tỷ lệ người nghèo chiếm 51,2% dân số); hay Papua New Guinea, quốc gia nông nghiệp với 85% dân số lao động trong lĩnh vực này.

  • Khu vực đầu tư lớn nhất vào Việt Nam

Trong 14 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (trên 1 tỷ USD) thì có 10 thành viên APEC. Đầu tư trực tiếp (FDI) của các thành viên APEC vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến hết tháng 9-2006 có 6.527 dự án, với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung lên đến 4.9391,5 triệu USD, chiếm 83,1% về tổng số dự án và chiếm 69,2% về tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. APEC cũng là khu vực có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nước có số vốn cam kết và giải ngân lớn nhất.

Trong khi đó, APEC cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, năm 2005 đã chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 7 nước nhập khẩu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) của Việt Nam, có 5 thành viên APEC và đứng hàng đầu, gồm Mỹ (5.930,5 triệu USD); Nhật Bản (4.411,2 triệu USD); Trung Quốc (2.961 triệu USD); Australia (2.570,2 triệu USD) và Singapore (1.808,5 triệu USD). Chỉ riêng 5 nền kinh tế này đã đạt 17.681 triệu USD, chiếm 54,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu của Việt Nam từ APEC cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất: năm 1995 đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 79,6%; năm 2000 đạt 13 tỷ USD, chiếm 81,3%; năm 2002 đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80%; năm 2003 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 79,4%; năm 2004 đạt 25,7 tỷ USD chiếm 83,8%; năm 2005 đạt 29,9 tỷ USD, chiếm 80,7%.

HOÀI ANH

Nền kinh tế
(số liệu năm 2005)
GDP Tăng trưởng

Australia
Brunei
Canada
Chile
Trung Quốc
Hồng Công thuộc Trung Quốc
Indonesia
Nhật Bản
Hàn Quốc
Malaysia
Mexico
New Zealand
Papua New Guinea
Peru
Philippines
LB Nga
Singapore
Thái Lan
Đài Bắc, Trung Quốc
Việt Nam
Hoa Kỳ

630 tỷ USD
9,6 tỷ USD
1.035 tỷ USD
115,6 tỷ USD
2.225 tỷ USD
172,6 tỷ USD
270 tỷ USD
4.664 tỷ USD
801,2 tỷ USD
122 tỷ USD
693 tỷ USD
101,8 tỷ USD
14,37 tỷ USD
164,5 tỷ USD
451,3 tỷ USD
1.589 tỷ USD
124,3 tỷ USD
183,9 tỷ USD
344,6 tỷ USD
52,8 tỷ USD
12.500 tỷ USD

3%
3,7%
2,9%
6%
9,9%
7,3%
6%
2,7%
3,9%
5,3%
3%
4,8%
2,9%
6,67%
5,1%
6,4%
5,7%
4,5%
4,25%
8,4%
3,7%

Tin cùng chuyên mục