ASEAN cần hành động nhiều hơn nữa về biển Đông

Ngày 4-8, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thường niên lần thứ 48 (AMM 48) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Chương trình nghị sự chính xoay quanh những quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông.
ASEAN cần hành động nhiều hơn nữa về biển Đông

Khai mạc AMM lần thứ 48

Ngày 4-8, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thường niên lần thứ 48 (AMM 48) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Chương trình nghị sự chính xoay quanh những quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông.

ASEAN nên đóng vai trò quan trọng

Tham dự AMM 48 có Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN, đại diện từ 29 quốc gia và Tổng thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.

Về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Anifah nhấn mạnh, ASEAN có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông và cần phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và hợp tác. Bộ trưởng Anifah phát biểu: “Trên tất cả, chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và hợp tác. Chúng ta đã có một khởi đầu tích cực nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”.

Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN tại kỳ họp AMM 48 ngày 4-8.

Chiều 4-8, sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể và Phiên họp hẹp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã tổ chức họp báo về kết quả hội nghị. Bộ trưởng Aman cho biết tại phiên họp toàn thể của Hội nghị AMM 48, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận một cách bao quát, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Bộ trưởng Aman cũng chỉ rõ các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đặc biệt các bộ trưởng mong muốn các quan chức cấp cao tăng cường tham vấn về Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được thiết lập sớm nhất có thể.

Trung Quốc vẫn cố chấp

Chủ đề biển Đông gần như bao trùm không khí các cuộc thảo luận tại AMM và dự kiến sau đó là Hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực (ARF - diễn ra vào ngày 6-8). Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi dừng các hoạt động xây dựng ở biển Đông và có thêm các bước đi tích cực để tránh căng thẳng tăng cao. Tuy không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, song trong phần lớn các cuộc thảo luận, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về hoạt động lấn biển và các dự án xây dựng trên biển Đông. Họ cũng kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo hướng mang tính xây dựng và kiềm chế hành động đơn phương gây bất ổn trong khu vực. Theo các nguồn tin nước ngoài, trong dự thảo tuyên bố chung AMM 48 và ARF, các bộ trưởng kêu gọi “tự do hàng hải, hàng không và tự do thương mại hàng hải và hàng không ở biển Đông”. Các Ngoại trưởng ASEAN cũng đang hướng tới thiết lập Quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

Phía Trung Quốc đã có phản ứng tiêu cực. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trên đường đến Malaysia dự ARF đã tới Singapore. Tại đây, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng không nên đưa vấn đề biển Đông ra các cuộc đàm phán tại ARF, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trên các đảo ở biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc nói: “Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng các diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để thảo luận các tranh chấp song phương cụ thể (ý nói đến vấn đề chủ quyền các đảo ở biển Đông)”. Ông này còn cho rằng những nỗ lực để đưa vấn đề này ra thảo luận tại ARF là “phản tác dụng” và “tăng thêm đối đầu”.

Ngoại trưởng Trung Quốc còn tuyên bố rằng họ tiếp tục xây dựng trên các đảo ở biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) cho biết, trong tuần này Bắc Kinh có thể chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ hai trên một hòn đảo do Trung Quốc mới bồi đắp trái phép. Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng trái phép một đường băng 3.000m trên đảo Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có thể được sử dụng cho các hoạt động chiến đấu.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục