Âu, Mỹ – Giáng sinh ảm đạm

Châu Âu một năm sống trong sợ hãi

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới Giáng sinh và sau đó là đón chào năm mới 2011, song tại nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Ireland, người dân thay vì đi mua sắm lại đổ xuống đường biểu tình phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng. Các cuộc biểu tình cho thấy những điều châu Âu sẽ phải ghi nhớ nhất trong năm nay: nợ nần chồng chất, cắt giảm chi tiêu và bất ổn xã hội.

Châu Âu một năm sống trong sợ hãi

Đó là nhận định của AFP trong bài viết đánh giá tình hình khủng hoảng nợ lan rộng ở châu Âu. Hy Lạp là điểm nóng của cuộc khủng hoảng vào đầu năm. Khối nợ khổng lồ của nước này đồng nghĩa với việc các thị trường mất niềm tin vào khả năng chi trả của Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải chật vật tìm cách vá víu chỗ hổng yếu ớt này. Họ đã đổ hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế Hy Lạp, thành lập một quỹ để giúp các nước Eurozone vấp phải khó khăn tài chính sau này.

Chỉ 6 tháng sau lại đến lượt Ireland cần đến sự cứu nguy và số tiền mà nước này cần trợ giúp còn lớn hơn cả số tiền mà quỹ trên đã có sẵn, đến trên 100 tỷ USD. Ngay cả các nền kinh tế tương đối mạnh như Pháp cũng đang bị nợ nần lớn. Chính sách cắt giảm chi tiêu công của chính phủ đã dẫn tới những vụ đình công và biểu tình liên tục. Và trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng chặt chẽ ấy, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải chật vật để quân bình các nhu cầu kinh tế quốc gia với nền kinh tế của cả châu lục.

Tình hình trên cho thấy một vấn đề lớn trong năm sắp tới. Bóng tối có thể sẽ bao trùm lên các nền kinh tế của Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, và các nước này cũng có thể sẽ cần đến các khoản cứu nguy trong nay mai. Nhưng trong tình hình dân chúng đang phải gồng mình với những chính sách cắt giảm lương bổng và tăng thuế, rất có thể các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ khó thuyết phục các cử tri dành thêm tiền mặt để cứu giúp các nền kinh tế đó.

Bà Vanessa Rossi, thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House, nói rằng năm 2011 sẽ là một năm bản lề. Châu Âu sẽ phải quyết định sự vững mạnh của mối liên hệ gắn kết các nước trên đại lục này lại với nhau. Ông Ian Begg của Trường Kinh tế London nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế buộc các nước Eurozone phải xét lại hệ thống tiền tệ của họ. Ông cho rằng các nước này đang thấy ra những khiếm khuyết và khắc phục được các yếu điểm này sẽ giúp cho đồng euro vững mạnh hơn.

Mỹ: vỡ nợ tăng, thất nghiệp không giảm

Bên kia bờ Đại Tây Dương, người Mỹ cũng vật lộn với nhiều khó khăn đặc biệt trong ngành tài chính ngân hàng, theo báo cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ công bố mới đây, từ đầu năm tới nay họ đã đóng cửa 151 ngân hàng do tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài, nhiều hơn 11 ngân hàng so với tổng số 140 ngân hàng bị giải thể trong cả năm ngoái. FDIC dự đoán, số ngân hàng bị phá sản trong năm nay sẽ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992. FDIC có thể phải chi khoảng 22 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các ngân hàng bị giải thể, tổng tài sản của các ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm đến nay gần 95,5 tỷ USD. Cùng với sự gia tăng của số ngân hàng đổ vỡ, số dư quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đã rơi vào trạng thái âm từ đầu năm nay, tới mức 8 tỷ USD tính tới cuối quý 3 vừa qua.

Trong khi đó, bắt đầu từ đầu tháng 12, thêm 2 triệu người Mỹ thất nghiệp không còn được lãnh trợ cấp thất nghiệp do đã nhận khoản hỗ trợ này đã lâu mà không tìm được việc làm. Thêm vào đó, Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu dự luật cắt giảm thuế cho tất cả người Mỹ trong vòng 1 năm. Cắt giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến quỹ phúc lợi xã hội dành cho lương hưu và người nghèo trong khi quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất. Tổng thống Barack Obama lúc đầu chỉ muốn giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, nhưng đảng Cộng hòa muốn giảm thuế cho cả tầng lớp thượng lưu, chiếm 2% dân số Mỹ. Cuối cùng ông Obama phải nhượng bộ đảng Cộng hòa để đổi lấy thỏa thuận tiếp tục trợ cấp thất nghiệp cho người chưa tìm được việc làm.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục