Bà giáo già và lớp học “3 không”

Bà giáo già và lớp học “3 không”

Năm 1988, một lần tình cờ bắt gặp đám trẻ lang thang tụ tập quanh gốc cây ở xóm ghe (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) để tập viết chữ, bà Mười (tên thật là Lữ Thị Lệ Nương) lân la đến hỏi thăm, mới biết các em đang cùng nhau ôn bài tập viết mà trong dịp hè được mấy anh chị sinh viên trong đoàn công tác tình nguyện Mùa hè xanh đã dạy…

Xúc động trước nỗi khát khao được học chữ của những đứa trẻ nghèo không được đi học như nhiều bạn nhỏ khác, bà Mười đứng ra gầy dựng lớp và hàng ngày rảo khắp ngõ gom những đứa trẻ lang thang ở xóm ghe lại để dạy chữ. Không chỉ dạy chữ, dạy làm toán, bà Mười còn dạy các em sống tốt, biết yêu thương, nhường nhịn nhau và từ bỏ những thói quen xấu tiêm nhiễm từ đường phố. Số trẻ em nghèo được bà Mười dạy chữ ngày càng đông. Thế là lớp học tình thương của bà Mười ra đời từ đó.

Bà Mười và các em học sinh ở lớp học tình thương

Hoàn cảnh của các em cũng rất đặc biệt, không nhà, không hộ khẩu, không giấy khai sinh nên mọi người thường gọi lớp học của bà Mười là “lớp học 3 không”. Bà nhận dạy các em từ lớp 1 đến lớp 5. Các em học sinh ở lớp học tình thương đa số là dân nhập cư, theo cha mẹ sống đời thương hồ buôn bán trên ghe, hoặc từ các nơi khác về mướn phòng trọ đi làm công nhân, làm thời vụ... Lớp học nằm trong Trung tâm Học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây, chỉ đơn sơ 2 phòng học, nhưng từ nơi này, hàng trăm đứa trẻ đã biết đọc biết viết. Có nhiều em sau khi học xong lớp 5, muốn tiếp tục học lên cao hơn nhưng không có giấy tờ tùy thân, bà Mười lại đi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ các em làm giấy khai sinh để được vào học ở trường công. Có em ở tận tỉnh xa, bà nhờ các tình nguyện viên của Quỹ Dự án tương lai hỗ trợ về tận địa phương làm giấy khai sinh để các em tiếp tục việc học.

Ban đầu, bà chỉ nhận dạy chữ cho các em một buổi, nhưng sau đó có nhiều em nhỏ vì ba mẹ bận việc mưu sinh, không thể giữ con mình, thế là bà Mười nhận giữ luôn đến chiều. Buổi trưa, bà lo cho các em ăn và ngủ tại lớp, chiều ba mẹ đi làm về ghé đón. Hàng ngày, quán cơm Nụ cười tài trợ khoảng 40 - 50 suất ăn cho các em. Các nhà hảo tâm khác cũng đóng góp gối, tập sách, đồng phục và các vật dụng phục vụ công tác dạy và học cho các cháu. Lúc mới thành lập, lớp học còn ít học sinh, bà Mười trực tiếp dạy các em, nhưng sau này lớp học ngày một đông, một mình bà không thể dạy hết tất cả nên bà đi mời các giáo viên về dạy cho các em và lại lo thêm khoảng chi phí bồi dưỡng cho giáo viên.

Hiện nay, lớp học có khoảng 78 em. Trưởng thành từ lớp học tình thương của bà Mười, nhiều em kiếm được việc làm lương thiện nuôi sống bản thân và gia đình. Có em còn học lên bậc đại học như em Đỗ Thị Kim Hồng, em Nguyễn Thành Đạt. Bà Mười cho biết, em Đạt hiện nay đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Luật TPHCM. Kể về ý chí vươn lên trong học tập của Đạt, bà tự hào cho biết, gia đình em là dân nhập cư, cuộc sống quá khó khăn, không thể bám trụ ở đất Sài Gòn nên ba mẹ quyết định trở về quê sinh sống. Vì ham học nên em quyết định ở lại thành phố một mình để tiếp tục học. Hàng ngày em đi làm đủ thứ việc, từ lượm bọc ni lông đến giữ xe, hay ai thuê gì làm nấy để có tiền sinh sống. Sau khi đậu đại học, bà Mười vận động Hội Khuyến học của phường tặng em học bổng toàn phần và một nhà hảo tâm tặng em chiếc xe máy.

Nhiều đứa trẻ trưởng thành từ lớp học này, dù có đi xa đến đâu, vẫn không quên bà Mười, vẫn nhớ lớp học tình thương, nơi các em làm quen với những con chữ đầu đời và vẫn ghi tạc trong lòng hình ảnh bà giáo già với nụ cười đôn hậu và mái tóc điểm sương…

Ở tuổi 76, bà Mười không còn đứng lớp như xưa nhưng hàng ngày bà vẫn đến lớp theo dõi việc học tập của các cháu và gắn bó với lớp học đến nỗi bà thuộc lòng hoàn cảnh sống của từng em. Bà Mười tâm sự: “15 năm gắn bó với bọn trẻ, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là thấy chúng trưởng thành, có công ăn việc làm, biết sống lương thiện và tự tin bước vào đời. Không còn trực tiếp dạy các cháu học, nhưng tôi vẫn mong lớp học ngày càng mở rộng để có thể nhận hết những đứa trẻ lang thang trong phường và các khu vực lân cận để đừng có cháu nào vì nghèo mà trở thành mù chữ, thất học…”

ĐẶNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục