“Các nhà báo trẻ ngày nay rất năng động, tự tin. Tuy nhiên đôi khi tự tin hơi quá, thành ra chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong khi tác nghiệp cũng như thiếu sự thận trọng và chu đáo cần thiết trong các mối quan hệ xã hội”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP nhân kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
* Phóng viên: Vai trò của giới truyền thông trong mắt bà như thế nào?
* Bà TÔN NỮ THỊ NINH: Tôi đặc biệt cảm ơn giới truyền thông thời gian qua đã rất nhiệt tình cùng hợp tác với tôi để đem đến những thông điệp có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Từ trước đến nay, tôi luôn hợp tác, ủng hộ tối đa trong khả năng với giới truyền thông, xuất phát từ việc tôi coi trọng vai trò truyền thông đối với xã hội, dân trí và từ quan niệm truyền thông phải có sự góp sức của xã hội.
* Tiếp xúc nhiều với báo giới, theo bà, nghiệp vụ, kiến thức, thái độ với công việc của nhà báo Việt Nam như thế nào?
* Thời gian gần đây, tôi khá bức xúc với phong cách tác nghiệp của một số phóng viên. Khá nhiều phóng viên đã gọi điện thoại trực tiếp cho tôi đề nghị phỏng vấn ngay qua điện thoại về một đề tài nào đó, hoặc “tử tế” hơn một chút là hẹn sẽ gọi lại trong 1 giờ. Có trường hợp gọi điện vào một ngày nghỉ cuối tuần ngay trước khi tôi đi công việc gia đình và đề nghị tôi nói về một người thứ ba (là một người bạn của tôi), với lý do là phóng viên này đang viết bài về người đó.
Nói thật, khi tôi chưa nhận được bất kỳ một thông báo nào từ người bạn của tôi và người ta chỉ đặt vấn đề qua điện thoại thì làm sao tôi kiểm chứng được phóng viên đó là ai, làm việc cho tờ báo nào? Một số lần khác, phóng viên thay vì đề nghị phỏng vấn lại yêu cầu thẳng với tôi viết về đề tài đó để rồi họ chỉ việc lấy đăng báo, không cần tác nghiệp gì cả…
* Có ý kiến cho rằng, nhà báo hiện nay tự tin, giỏi nghề hơn các thế hệ trước?
° Truyền thông hiện nay có thể được xem như giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang một cơ chế mở và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, những gì tôi đang trải nghiệm đôi khi lại minh họa cho một bước “nhảy vọt” từ thái cực này sang thái cực khác. Ví dụ như ở thời bao cấp, các phóng viên trước khi tác nghiệp thường phải xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu hoặc công văn của đơn vị, nộp câu hỏi trước và hẹn trả lời… Trong khi ngày nay, một bộ phận phóng viên có lẽ xuất phát từ suy nghĩ rằng người được hỏi - phỏng vấn chắc phải săn đón dịp lên mặt báo nên dẫn đến việc luôn muốn có những sản phẩm “mì ăn liền” từ người được (hay bị) phỏng vấn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giai đoạn chuyển tiếp của truyền thông hiện nay có vẻ như đang thiếu trật tự và thiếu luật chơi. Chúng ta cần phải xác định rõ lại luật chơi, trong đó cần làm rõ vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của người phỏng vấn cũng như người được - bị phỏng vấn. Những góp sức của xã hội đối với truyền thông chỉ có thể được hiểu như là cung cấp nguyên vật liệu thô, hoặc đã qua sơ chế, chứ không thể đòi hỏi ngay thành phẩm. Thành phẩm của truyền thông phải là một sản phẩm hoàn chỉnh từ sự tác nghiệp chuyên nghiệp của nhà báo. Mặc dù bản thân tôi rất nhiệt tình hợp tác nhưng tôi hoàn toàn không thể bỏ hết công việc của mình để “tác nghiệp” thay cho nhà báo. Một nhà báo cần phải đạt yêu cầu cơ bản là phải có khả năng tổng hợp hoặc chắt lọc thông tin và khả năng viết…
* Bà kỳ vọng gì từ nhà báo?
* Trong bất cứ xã hội nào, truyền thông luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bài trừ và giảm thiểu cái xấu, đồng thời khuyến khích phát huy điều tốt, nhằm giúp xã hội phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Để thực hiện tốt vai trò quan trọng này từ bước cơ bản nhất, tôi chỉ mong muốn các nhà báo về tính chuyên nghiệp và sự chỉn chu trong tác nghiệp.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG thực hiện