Ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, yêu cầu bà từ chức vì đã lạm quyền, dẫn đến nhiều sai phạm nghiêm trọng. Theo đó, 9 vị bộ trưởng dưới quyền cũng sẽ phải từ chức theo bà. Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền.
Chính quyền Yingluck sụp đổ
Các thành viên còn lại của nội các sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ cho tới khi nội các mới được thành lập. Theo luật Thái Lan, bà Yingluck cũng sẽ phải tạm gác sự nghiệp chính trị trong ít nhất 5 năm. Ngoài ra, bà Yingluck còn phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng do bị đổ lỗi là thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Chương trình này hoàn toàn thất bại. Từ nay đến ngày 15-5, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có khởi tố bà Yingluck hay không.
Theo Bangkok Post, Tòa án Hiến pháp Thái Lan kết luận rằng bà Yingluck đã đi quá giới hạn cho phép khi điều chuyển ông Thawil Pliensri khỏi cương vị Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia năm 2011. Ông này là người của phe đối lập, sau đó cũng đã được phục chức. Theo CNN, bà Yingluck đã thay vị trí của ông Thawil Pliensri bằng ông Priewpan Damapong, một người họ hàng của bà. Phán quyết trên được đưa ra dựa theo căn cứ của điều 266-268 của Hiến pháp nước này. Việc điều chuyển bất hợp pháp được cho là nhằm phục vụ lợi ích chính trị của đảng Pheu Thai (PIP - Vì người Thái) và nó vi hiến, trái pháp luật, trái với các quy tắc ứng xử ở Thái Lan. Trước tòa, bà Yingluck đã tự biện hộ cho mình rằng việc điều chuyển ông Thawil Pliensri là vì lợi ích quốc gia. Bà liên tục khẳng định mọi quyết định của bà đưa ra là vì nhân dân.
Bế tắc chính trị
Chính phủ tạm quyền của Thái Lan cũng đang xúc tiến kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20-7 tới.
Việc phế truất bà Yingluck được cho là sẽ tạo nên làn sóng bất ổn chính trị mới ở Thái Lan. Những người phe áo đỏ ủng hộ bà Yingluck tin rằng tòa án bị ảnh hưởng của phe chống đối bà và các vụ cáo buộc bà Yingluck là nỗ lực của giới có tiền và quyền muốn truất chức bà Yingluck. Trong những ngày Tòa án Hiến pháp mở phiên tòa xét xử bà Yingluck, họ từ khu vực nông thôn đã đổ về trung tâm để tuần hành ủng hộ bà.
Trong khi đó, trước khi Tòa án Hiến pháp công bố phán quyết thì phe đối lập do ông Suthep Thaugsuban, Chủ tịch Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) đã dẫn đầu đoàn biểu tình xuống các khu vực Silom, Sathupradit và Chan ở thủ đô Bangkok để kêu gọi ăn mừng cho “trận đấu cuối cùng”. PDRC đã lên kế hoạch tuần hành lớn vào ngày 14-5 tới. Lộ trình lần này kéo dài khoảng 8km, từ vị trí tập trung quen thuộc ở công viên Lumpini đến khu Silom.
Người biểu tình, chủ yếu là ở thành thị và tầng lớp trung lưu, muốn thay thế chính phủ của bà Yingluck bằng một hội đồng nhân dân. Họ muốn cải cách ngay lập tức mà không thông qua bầu cử. Với phán quyết nghiêng về phe đối lập, nhiều khả năng diễn biến chính trị ở Thái Lan trong những ngày tới sẽ càng thêm căng thẳng.
Trước đó, trong gói kiến nghị gồm 10 điểm gửi đến chính quyền bà Yingluck, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói bà Yingluck và chính phủ của bà nên từ chức, mở đường cho việc lập nội các lâm thời để giám sát một cuộc trưng cầu về cải cách. Bà Yingluck Shinawatra đã không trả lời các đề nghị được nêu ra.
| |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
- Ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết đối với Thủ tướng