* Ấn Độ: 150 người chết do lạnh
Trong tuần đầu tiên của năm mới 2011, toàn thế giới phải chịu những ảnh hưởng rõ rệt của tình trạng biến đổi khí hậu. Nửa Bắc bán cầu lạnh lẽo hơn, còn nửa kia thì lại chìm trong nước lũ.
Bắc bán cầu: Mưa đá và bão tuyết
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, luồng không khí lạnh vừa quét qua nước này ngày 7-1 đã làm nhiệt độ ở nhiều nơi xuống thấp kỷ lục trong mùa Đông năm nay. Tại khu thương mại Otemachi ở thủ đô Tokyo, nhiệt độ giảm xuống 1,8°C. Do tuyết dày, các chuyến tàu cao tốc buộc phải giảm tốc độ. Ở các tỉnh miền Bắc tuyết phủ dày đến 2,18m.
Tại Ấn Độ, đợt không khí lạnh đã khiến ít nhất 150 người chết và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người khác. Nhiệt độ tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hạ xuống tới -23°C. Các trường học ở khu vực miền Bắc Ấn Độ đã phải đóng cửa, học sinh nghỉ học để tránh rét.
Tại Trung Quốc, người dân đang phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt nhất trong lịch sử nước này, với giá rét, mưa đá và bão tuyết hoành hành. Tân Hoa xã cho biết, thời tiết giá rét đột ngột đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân, gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,35 tỷ nhân dân tệ (khoảng 204 triệu USD).
Tại tỉnh Hồ Nam, tuyết và mưa đá đã làm giao thông đình trệ, học sinh tới trường phải mang theo bếp than để sưởi ấm. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo, đợt rét này còn có thể kéo dài thêm 10 ngày.
Mưa tuyết và băng giá làm gián đoạn giao thông và cuộc sống tại hầu hết các nước châu Âu, nghiêm trọng nhất là tại vùng Bắc Âu. Đan Mạch phải chứng kiến một mùa đông ảm đạm khi lượng tuyết rơi dày tới 140cm, nhiều nhất tại châu Âu. Thủ đô Berlin của Đức và các bang lân cận trải qua những ngày giá rét nhất trong vòng 110 năm qua. Khu vực Đông Đức, nhiệt độ giảm xuống mức -20°C.
Tại Nga, nhiệt độ thấp đến mức nước mưa vừa rơi xuống đất đã trở thành băng. Thủ tướng V. Putin triệu tập phiên họp chính phủ khẩn cấp và lệnh cho các bộ trưởng phải giải quyết tình hình càng sớm càng tốt.
Nam bán cầu: Nước dâng cao 14m
Trong khi đó, tại Nam bán cầu, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tiếp diễn ở tiểu bang Queensland của Australia. Cơ quan khí tượng dự báo sẽ có thêm nhiều trận mưa lớn đổ xuống có thể gây nên những trận lụt đột ngột làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt ở bang này. Mực nước sông Balonne ở thị trấn St George đã dâng lên gần 14m, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tính đến thời điểm này, đã có 10 người thiệt mạng do bị lũ cuốn. Trận lũ lụt lịch sử tại bang Queensland của Australia được dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế nước này, khiến GDP sụt giảm hàng tỷ USD. Lũ lụt đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu than đá tại Queensland - nơi cung cấp một nửa lượng than để luyện thép của thế giới.
Tại Brazil, lũ lụt làm ít nhất 22 người chết buộc giới chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 55 thành phố trong vùng. Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp thành phố Sao Paulo cho biết, mực nước ở các con sông tại đây đang dâng cao, có nguy cơ tràn bờ gây lở đất và ngập lụt thêm nhiều khu vực khác. Nguồn tin này cũng dự báo sẽ có thêm nhiều trận mưa lớn ở bang này trong những ngày tới.
Tại Colombia, lũ lụt đã làm thiệt hại 5,2 tỷ USD đối với nền kinh tế nước này khiến Tổng thống Juan Manuel Santos phải gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 20 ngày nữa.
VIỆT ANH