Hội nghị đã thống nhất lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để kháng chiến chống thực dân Pháp. Với khẩu hiệu “cứu nước là cứu đạo”, các tín đồ quyết hy sinh tài sản, tính mạng để cứu nước, bảo vệ đạo. Hội nghị đã suy tôn cụ Cao Triều Phát làm tổng chỉ huy.
Sau hơn 5 tháng chuẩn bị, đã quy tụ trên 2.000 quần chúng, tín đồ, chức sắc, chức việc và thành lập các ban chuyên trách, xây dựng tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu… đặc biệt đã tổ chức tới 18 trung đội trực tiếp chiến đấu, mỗi trung đội khoảng 38-39 người.
Tại trận đánh vào sáng sớm ngày 15-4-1946 (tức ngày 14-3 năm Bính Tuất), thực dân Pháp tiếp tục đưa hai tiểu đoàn quân viễn chinh, trang bị vũ khí hiện đại chia thành ba hướng tấn công vào Giồng Bốm. Đây là trận chiến vô cùng ác liệt, với tinh thần yêu nước, mưu trí, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, các chiến sĩ trận Giồng Bốm đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Song, do tương quan về lực lượng, vũ khí trang bị và kỹ thuật nên cuộc chiến đấu của các “chiến sĩ áo trắng” thất bại khá nặng nề.
Mặc dù thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống thực dân xâm lược của các tín đồ, chức sắc, chức việc của Cao đài Minh Chơn Đạo trong trận Giồng Bốm đã giáng đòn mạnh mẽ vào tính hiếu chiến và góp phần làm chậm bước tiến xâm lược của chúng. Đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phát biểu tại lễ đón nhận di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, trong tương lai, địa điểm trận Giồng Bốm sẽ tiếp tục là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tự hào về truyền thống đó, chúng ta phải biết trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị mà các thế hệ đi trước đã vun đắp.