“Bác sĩ” của sách cũ

Mỗi ngày, có hàng chục đầu sách mới ra đời, bày bán ở các cửa hàng sách lẫn trên các kênh thương mại điện tử. Chưa kể, theo xu hướng của thời đại, không ít người đã chuyển qua đọc sách điện tử hoặc nghe sách nói. Vậy mà ở TPHCM, vẫn có những người đang cặm cụi hàng ngày “chữa bệnh” cho những cuốn sách cũ. Họ thường được nhiều người gọi thân thương là “bác sĩ” của sách cũ!
Ông Võ Văn Rạng hành nghề “chữa bệnh” cho sách cũ
Ông Võ Văn Rạng hành nghề “chữa bệnh” cho sách cũ

Được làm, được đọc, được học

Không có tên biển nhưng ngôi nhà nằm ở cuối hẻm số 152 đường Lý Chính Thắng (phường 14, quận 3) của ông Võ Văn Rạng (61 tuổi) lại là địa chỉ quen thuộc đối với những người yêu thích sách cũ. 

Ông Rạng bén duyên với công việc “chữa bệnh” cho sách từ thập niên 1980 của thế kỷ trước tại một tổ hợp gia công sách do một người bạn quản lý. Ngoài đóng sách, gia công sách cho các nhà in, xưởng còn sửa chữa, đóng sách cũ cho các thư viện. Nhờ đó mà ông Rạng học được một nghề lận lưng. Đến năm 1990 thì ông nghỉ, ra làm riêng. Ông bảo, khác với bây giờ, sau năm 1975, thành phố có hàng trăm cửa hàng sách cũ rải rác trên các con đường Nguyễn Khắc Nhu, Trần Nhân Tôn, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai... Những ngày đầu, ông trực tiếp đến các tiệm sách cũ, vừa làm quen vừa đặt vấn đề đóng sách cũ. Dần dần, nhờ đóng đẹp, chắc chắn, nhiều khách hàng tìm đến ông. Chúng tôi hỏi số lượng sách được “chữa bệnh” suốt 40 năm qua, ông cười: “Nhiều quá, nhớ hông nổi con ơi!”. 

Đều đặn mỗi ngày, ông mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khách hàng của ông chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân; cũng có những người mang sách, là kỷ vật của gia đình đến nhờ ông đóng lại. Tùy vào tình trạng của cuốn sách hay độ dày mỏng mà ông Rạng phải dành thời gian cho nó. Trung bình một ngày, ông “chữa” được 2 - 3 cuốn; với những cuốn sách đã rách nát quá nặng thì ông phải mất nguyên một ngày. Đặc biệt, có những cuốn từ điển, ông phải làm trong 2 ngày. “Tiền công cũng tùy đó con, trung bình từ 50.000 đến 100.000 đồng/cuốn. Mình lấy giá mềm, để người ta còn quay lại”, ông Rạng cười hiền, cho biết. 

Khi chúng tôi hỏi đến áp lực cuộc sống, không trả lời thẳng vào câu hỏi mà ông đọc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”. Thấy tôi đang lơ ngơ chưa hiểu, ông giải nghĩa: “Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”. Ông còn khiến chúng tôi ngạc nhiên khi đọc hoặc nhắc đến những bài thơ, kiến thức từ trong sách xưa. “Nhờ công việc đóng sách đó con! Sách người ta đưa đến, tranh thủ vừa làm mình vừa đọc. Vụ này hay nè, đọc sách không mất tiền”, ông Rạng nói xong rồi cười. 

Mặc dù đã 40 năm trong nghề, nhưng mỗi lần nhận một cuốn sách quý, ông cũng đều run. Ông bảo, nghề nào cũng có những tai nạn mà không ai lường trước được. “Hồi xưa, các nhà in xếp bằng tay, khi cắt, nếu không cẩn thận sẽ cắt phải chân trang, làm hỏng cuốn sách của người ta. Với những cuốn sách quý, không phải vì nhiều tiền mà đó là kỷ vật của người ta, mình có tiền cũng không mua được, mà cũng không có sách để đền. Một vài lần gặp tai nạn, bị người ta chửi, tui cũng thấy buồn nhưng phải chấp nhận thôi vì đến chính bản thân mình cũng thấy bực mình mà”, ông Rạng tâm sự. 

Kỳ công làm việc

Giống như một sự tiếp nối giữa các thế hệ, công việc “chữa bệnh” cho sách cũ không những không bị mai một mà còn được kế thừa bởi những người trẻ mà Bùi Tiến Phúc (32 tuổi) là một trong số đó. Thời gian gần đây, anh được biết đến như một “bác sĩ” thực thụ của sách cũ, bởi anh không chỉ có kiến thức về Hán Nôm mà còn được đào tạo bài bản để hành nghề. Tốt nghiệp ngành Hán Nôm (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) vào năm 2012, hai năm sau, Phúc xin được học bổng sang Đài Loan học về ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Về nước, anh mở Hán Nôm Đường, xác định một công việc chuyên nghiệp ngay từ đầu. 

“Bác sĩ” của sách cũ ảnh 1 Bùi Tiến Phúc đang phục hồi sắc phong của Vua Tự Đức
Nếu khách hàng của ông Võ Văn Rạng chủ yếu là những giới bình dân thì phân khúc khách hàng của Bùi Tiến Phúc lại có phần cao cấp và đa dạng hơn. Đó có thể là những người sưu tầm sách, tranh; những người coi quản việc họ hay chùa, nhà thờ… “Chữa bệnh” cho sách, nói đúng hơn là tu bổ và phục chế các loại sách cũ, sách Hán Nôm chỉ là một phần công việc của Bùi Tiến Phúc. Ở Hán Nôm Đường, anh và các cộng sự còn phục chế sắc phong, gia phả; in rập văn khắc trên bia đá, in mộc bản; tu bổ và phục chế tranh giấy; bồi biểu thư họa bằng phương pháp thủ công. 

Hôm chúng tôi đến Hán Nôm Đường của Bùi Tiến Phúc ở số 305/71 đường Tân Sơn Nhì (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) thì bắt gặp anh cùng vợ đang cặm cụi phục chế sắc phong do Vua Tự Đức ban cho triều Lê, được đại diện của dòng họ Lê gửi vào từ Hà Nội. Trong lúc ngắm nhìn vợ chồng anh làm việc, tôi thấy bên cạnh là bức thư viết tay của người khách với lời nhắn gửi: “Anh rất yêu quý di sản Hán Nôm của ông cha. Qua bao thay đổi của thời cuộc, di sản này không còn nhiều nên một mảnh chữ nhỏ cũng rất đáng trân quý. Anh tiếp xúc được một số bản Hán Nôm cổ thời Lê - Nguyễn đang trong tình trạng hư hại nặng. Vì vậy anh gửi em, nhờ em đánh giá tình trạng và có phương án cụ thể với từng tư liệu. Đặc biệt là bản đạo sắc Tự Đức. Đây là tài sản của cả một dòng họ. Em giúp anh bồi vá cẩn thận để bảo quản lâu hơn. Anh tin với tay nghề của em, các tư liệu sau khi xử lý sẽ được duy trì, bảo quản lâu hơn”. 

Bản sắc phong ấy vừa bị rách, mục nhưng tệ hại hơn là dùng băng keo trong để vá sắc phong, khiến cho công tác phục chế gặp nhiều khó khăn. Ấy vậy mà qua hai ngày hai đêm, bản sắc phong ấy đã dần dần được phục hồi, giữ được những chi tiết quan trọng. “Chắc phải thêm chừng đó thời gian thì bản sắc phong này mới hoàn thành được”, Bùi Tiến Phúc thổ lộ. 

Có một điều thú vị là trái ngược với nỗi lo của ông Võ Văn Rạng, về một viễn cảnh sẽ không còn sách cũ vì “Internet bây giờ mạnh quá” thì Bùi Tiến Phúc lại nói vui rằng “làm không hết việc”. Ngoài vợ chồng Phúc ra, ở Hán Nôm Đường còn có 4 bạn trẻ nữa cũng đang theo anh học nghề. Theo chia sẻ của Bùi Tiến Phúc, có một thực tế là ở Việt Nam đến ngày hôm nay vẫn chưa có một trường học nào dạy về tu bổ sách, tu bổ tranh. Những sinh viên tốt nghiệp ngành Thư viện xong chỉ biết làm biên mã, chứ không biết tu bổ sách như thế nào. Thậm chí, sách hư thì lấy băng keo dán lại. 

Mong muốn lớn nhất của Bùi Tiến Phúc hiện nay là có thể đi trợ giảng, nói chuyện, trao đổi để phổ cập, truyền bá kinh nghiệm bảo quản sách đến mọi người. “Vì thực tế hiện nay, không có nhiều người biết đến cách bảo quản sách, thư tịch”, anh Bùi Tiến Phúc cho biết.

Tin cùng chuyên mục