Bác sĩ Cuba lại lên đường

Từ những năm 1960, Cuba đã triển khai một đội quân hàng chục ngàn bác sĩ đến những nơi khó khăn nhất trên thế giới để giúp đỡ, từ Haiti, rồi cánh đồng chết của châu Phi, đến những khu vực nghèo khó ở Venezuela. Giờ đây, hàng ngàn bác sĩ Cuba lại lên đường nhưng đích đến lại là đất nước tương đối giàu có, đó là Brazil, nhằm giúp nước này củng cố hệ thống y tế già cỗi đang gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Từ những năm 1960, Cuba đã triển khai một đội quân hàng chục ngàn bác sĩ đến những nơi khó khăn nhất trên thế giới để giúp đỡ, từ Haiti, rồi cánh đồng chết của châu Phi, đến những khu vực nghèo khó ở Venezuela. Giờ đây, hàng ngàn bác sĩ Cuba lại lên đường nhưng đích đến lại là đất nước tương đối giàu có, đó là Brazil, nhằm giúp nước này củng cố hệ thống y tế già cỗi đang gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Theo Washington Post, 2 tháng sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống tình trạng kém chất lượng của dịch vụ y tế công và các dịch vụ khác, chính quyền Tổng thống Dilma Rousseff cuối tháng 8 đã ký một thỏa thuận với Cuba để đưa 4.000 bác sĩ Cuba tới những nơi Brazil thiếu bác sĩ. Theo hợp đồng, Brazil sẽ trả cho mỗi bác sĩ 4.200 USD/tháng và họ sẽ làm việc tại Brazil trong 3 năm. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh của Brazil, Tổng thống Rousseff cho biết các bác sĩ Cuba sẽ có chế độ tốt ngoài mức lương hàng tháng.

Họ sẽ nhận được nhà ở, thực phẩm… tất cả những thứ cần thiết để làm việc tại những vùng sâu, vùng xa. Bà Rousseff nhấn mạnh rằng các bác sĩ Cuba được hoan nghênh cũng như các bác sĩ từ các quốc gia khác, những người đã đồng ý làm việc tại vùng sâu, vùng xa. Cho tới nay, Cuba đã đưa bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên y tế đến phục vụ tại 58 quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể. Thứ trưởng Y tế Cuba Marcia Cobas cho biết những bác sĩ Cuba làm việc tại Brazil sẽ nhận được 40% đến 50% trong số tiền hàng tháng do Brazil chi trả.

Trong khi chờ các bác sĩ Cuba đến, nhiều người dân Brazil đang rất bức xúc trước hiện trạng y tế nước này. Aline Lais Ribeiro, 17 tuổi, đã phải chờ đợi 3 giờ mới có thể gặp vị bác sĩ duy nhất làm liên tục 24 giờ tại một bệnh viện tồi tàn ở ngoại ô Sao Paulo, một trong số 700 địa điểm nơi các bác sĩ Cuba sẽ có mặt. Cô Ribeiro tự hỏi vì sao chính phủ đã không đưa các nguồn lực vào xây dựng một hệ thống y tế chất lượng phù hợp với tham vọng phát triển mang tầm thế giới của Brazil. Cô nói: “Dịch vụ thật khủng khiếp” khi phải mất 2 tháng để gặp một bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh nhiễm trùng tiết niệu. Những người chỉ trích cho rằng giải pháp mời bác sĩ Cuba chỉ là giải pháp “chữa cháy” nhằm cứu uy tín của Tổng thống Rousseff trước cuộc bầu cử tổng thống năm tới, nhất là khi y tế là vấn đề dễ gây tổn thương nhất cho cử tri. Trong các cuộc biểu tình hồi tháng 6 vừa qua khi tỷ lệ ủng bà Rousseff giảm mạnh, người dân cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ không phải là vấn đề tham nhũng, tội phạm, giáo dục mà là hệ thống y tế công cộng của đất nước xuống cấp trầm trọng.

Tại Trung tâm Y tế Embu Guacu, bác sĩ Francisco de Brito Pedrao, 31 tuổi, cho biết các bác sĩ Brazil không muốn làm việc ở vùng sâu, vùng xa hoặc các quận nghèo bởi thiếu nhiều trang thiết bị y tế. Cửa phòng khám bị nứt nẻ, tường bong tróc sơn, các phòng bệnh dùng giường kim loại cũ đã sử dụng nhiều thập niên. Bác sĩ Pedrao phải làm việc liên tục 24 giờ/ngày với lượng bệnh nhân lên đến 200 người. Nhiều người cho rằng Brazil đang đi theo đường của Argentina và nhiều nước khác ở Mỹ Latinh khi ưu tiên phát triển các bệnh viện tư nhân cũng như trường học tư mà sao lãng với người nghèo.

Brazil có tỷ lệ 1,8 bác sĩ/1.000 người, không chỉ thấp hơn so với các nước phát triển mà còn thấp hơn so với các nước láng giềng như Argentina và Uruguay. Điều đó khiến Brazil phải thu hút bác sĩ từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Argentina và giờ là Cuba đến làm việc.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục