Khi những ngôi sao nổi tiếng làm từ thiện

Bài 1: Đại sứ của lòng nhân ái

Bài 1: Đại sứ của lòng nhân ái

Điều gì đã khiến những con người nổi tiếng có thể bỏ ra hàng tháng trời để có mặt tại Zambia hay Namibia để giúp đỡ những nạn nhân HIV? Ai đã khiến những ngôi sao này sẵn sàng chấp nhận vai trò của những đại sứ thiện chí mà không cần nhận một đồng xu nào, trong khi chỉ cần đồng ý xuất hiện trên truyền hình chỉ vài giây, họ có thể đút túi hàng triệu đô la?

Những ngôi sao làm từ thiện có thể là các cầu thủ bóng đá như Ronaldo và Zidan hay nữ hoàng quần vợt Maria Sharapova... Những ngôi sao đã thể hiện mình trong vai trò từ thiện như thế nào?

Từ lời nói đến thực tế

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, LHQ đã bắt đầu triển khai ý tưởng lôi kéo những ngôi sao nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao cùng hợp tác làm từ thiện. Theo đó những đại sứ thiện chí đầu tiên kiểu này đã xuất hiện lần đầu dưới là cờ của UNESCO. Đại sứ đầu tiên có mặt trong nhóm này chính là nam diễn viên Danny Kaye.

Việc xuất hiện trong gia đình “các đại sứ” của UNESCO thường không kèm theo những trách nhiệm quá nặng nề đối với các ngôi sao: Thông thường họ có thể tự nguyện trích một khoản tiền kiếm được khi biểu diễn hay thi đấu cho các mục đích từ thiện (số lượng này thường không được tiết lộ vì một nguyên tắc: Các ngôi sao không được ganh đua nhau về mức độ đóng góp).

Bài 1: Đại sứ của lòng nhân ái ảnh 1

Maria Sharapova cùng với Phó Tổng thư ký LHQ Ed Melkert trong lễ ký kết văn bản hợp tác làm đại sứ thiện chí cho UNDP

Ngoài ra, mỗi năm họ có thể tới những vùng xa xôi khoảng một đến hai lần để gặp gỡ những người hâm mộ. Không phải ngẫu nhiên, ca sĩ Madonna mới đây đã chỉ trích một số đồng nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh giải trí khi tuyên bố, nhiều người chỉ quan tâm đến việc họ được xuất hiện nhiều trong những bức ảnh chụp tại các nước thế giới thứ ba hơn là số lượng việc thiện họ đã làm được. Cần nói thêm là cô ca sĩ có nhiều tật này đã từng đóng góp tới 3 triệu USD cho việc xây dựng một nơi nương thân cho những trẻ em mồ côi do cha mẹ bị AIDS tại Malawi.

Những đại sứ thiện chí của UNDP thường có mục đích và vai trò hoạt động cụ thể hơn. Hiện nay, các cơ quan đại diện của UNDP đã được mở tại 188 quốc gia khác nhau với ngân sách không hề nhỏ (năm 2005 là 4,44 tỷ USD và những năm sau đều có xu hướng tăng hơn).

Dù được sự hỗ trợ khá hào phóng từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng UNDP vẫn rất tích cực vận động sự cộng tác của các đại sứ thiện chí - những người đã đóng góp vào ngân sách hoạt động chung của tổ chức này khoảng 1,2 triệu USD mỗi năm. Đó là chưa kể tới nhiều đại sứ thiện chí đã dành riêng thời gian cũng như trực tiếp dùng tiền túi của mình chi cho hoạt động từ thiện.

Đầu năm ngoái, nữ vận động viên quần vợt Maria Sharapova đã trở thành vị đại sứ thiện chí thứ 5 của UNDP, tiếp sau hai ngôi sao bóng đá Ronaldo và Zidan, hoàng thái tử Haakon Magnus của Na Uy và nữ diễn viên Nhật Misako Kono. Sau Maria, UNDP cũng ký một hợp đồng từ thiện mới với cầu thủ Didier Drogba của câu lạc bộ Chelsea, hiện đang là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất tại Premier League.

Vì sao họ được chọn?

Các quan chức tại LHQ thường rất thận trọng trong việc chọn lựa ứng cử viên cho vai trò đại sứ thiện chí. Chẳng hạn như trước khi chọn Maria Sharapova và ký kết một hợp đồng tượng trưng giá trị… 1 USD với cô, các nhân viên UNDP đã tìm hiểu rất kỹ mọi sở thích, mong muốn và cách tận dụng thời gian của ngôi sao quần vợt này.

LHQ khi đó đang có một dự án quy mô nhằm hồi sinh lại khu vực xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl và đang cần tìm một người nổi tiếng thích hợp để tuyên truyền cho ý tưởng này- Sharapova rõ ràng là một ứng cử viên thích hợp nhất.

Gia đình Maria đã phải rời khỏi khu vực này ngay sau khi xảy ra thảm họa và người bà của cô hiện vẫn đang sống ở gần đó. Lần đầu tiên xuất hiện tại LHQ vào tháng 2 năm ngoái, Maria đã đưa ra tấm séc 100.000 USD, phần đóng góp đầu tiên của cô vào dự án nhằm hồi sinh Chernobyl.

Theo Sharapova, khoản tiền trên đượcc lấy từ phần dành dụm riêng của cô, cũng như từ quỹ giúp đỡ khu vực Chernobyl do chính cô thành lập một năm trước đó. Nếu như Maria chỉ mới ký một hợp đồng hai năm với UNDP (dù sau đó còn nhiều khả năng sẽ gia hạn) thì cầu thủ Ronaldo của Brazil đã 7 năm liền là đại sứ thiện chí của tổ chức này.

Tương tự như các ngôi sao thể thao thường tham gia vào các trận đấu từ thiện, Ronaldo đã thành lập một đội bóng gồm toàn những cầu thủ bạn bè của mình để thi đấu với đội hình tương tự như của Zidan.

Thành công về mặt tài chính của những trận đấu từ thiện như thế này thường được đảm bảo rất chắc chắn. Chẳng hạn như trận đấu từ thiện gần đây nhất diễn ra tại Marseille vào tháng 3-2007 đã được 20 kênh truyền hình khắp nơi trên thế giới tường thuật và thu được tới 450.000 USD lợi nhuận.

Vé xem trận đấu này (có giá từ 10-25 euro) nhanh chóng được bán hết sạch. Tất cả số tiền thu được từ trận này được dùng để triển khai một loạt các dự án của LHQ tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Trong khi số tiền thu được trong 3 trận đấu từ thiện đầu tiên của Zidan đã giúp cung cấp sách giáo khoa cho 300 trẻ em tại Haiti, xây dựng một trung tâm y tế và trường học tại Congo, dạy nghề cho 350 người dân Sri Lanka, huấn luyện cho 1.200 nhân viên các công ty cỡ nhỏ của Namibia và Colombia, thành lập một trung tâm thể thao dành cho người nghèo tại Morroco.

Bài 2: Trái tim đồng cảm

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục